Từ sáng sớm 17/11, hàng trăm người dân Thủ đô và du khách đã xếp hàng dài trước tháp Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) để chờ vào chiêm ngưỡng không gian bên trong tháp nước.
Sau 129 năm xây dựng, tháp nước lần đầu tiên mở cửa đón khách thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Hoạt động này thuộc triển lãm Sắp đặt Nước & Di sản Tháp nước Hàng Đậu nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Triển lãm kéo dài từ ngày 17-26/11. Du khách mong muốn trải nghiệm triển lãm cần đăng ký trước trên website chính thức của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023.
Do không gian bên trong tháp nước nhỏ, đường đi cũng chỉ đủ cho từng người lần lượt, nên mỗi lượt chỉ có khoảng 20- 30 khách được vào trong.
Phát biểu khai mạc, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội - khẳng định triển lãm là một trong những hoạt động gắn kết với các quận trong Hà Nội và tạo thành chuỗi không gian Dòng chảy Di sản trong thành phố Sáng tạo.
Tháp nước Hàng Đậu được xây dựng năm 1894, là một trong những công trình kiến trúc cổ của Hà Nội. Tháp nước Hàng Đậu (thường gọi là bốt Hàng Đậu) nằm tại ngã 6 giao giữa các phố: Hàng Than, Hàng Lược, Hàng Giấy, Hàng Đậu, Quán Thánh và Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội).
Lý giải về cảm hứng tổ chức triển lãm này, KTS Cao Thế Anh cho biết tuổi thơ của anh gắn với công trình tháp nước Hàng Đậu. Vì vậy việc tham gia thiết kế dự án này khiến anh rất tự hào.
“Đối với một công trình di sản từ khâu thiết kế chúng tôi phải lựa chọn vật liệu, thi công để vừa đạt hiệu quả thẩm mỹ vừa dễ dàng trả lại nguyên trạng bên trong tháp nước. Thông qua các sự kiện này chúng ta có thể cùng nhìn lại lịch sử, những công trình kiến trúc để thấy tiềm năng của những công trình kiến trúc có thể vận dụng vào đời sống đô thị”, KTS Cao Thế Anh nói.
Tháp nước hàng Đậu ra đời cùng với nhà máy nước Yên Phụ với mục đích cung cấp nước sạch cho người dân. Nước từ nhà máy được đưa lên hai tháp để phân phối theo ống đi khắp thành phố. Lâu nay, tháp nước không được sử dụng và bị bỏ hoang.