"Ngáo giá"
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa , trên địa bàn tỉnh có khoảng 124 mỏ, điểm mỏ cát làm vật liệu xây dựng, với tổng diện tích 571 ha, trữ lượng khoảng 18 triệu m 3 . Hiện toàn tỉnh có 27 mỏ cát làm vật liệu xây dựng thông thường được cấp phép khai thác còn thời hạn. Tổng trữ lượng là trên 6,5 triệu m 3 ; tổng công suất hằng năm là 562.012 m 3 .
Thanh Hóa là địa phương đang trong đà tăng trưởng mạnh mẽ, vì vậy việc quy hoạch, đưa các mỏ cát ra đấu giá, cấp phép khai thác đã góp phần cung cấp kịp thời nguồn vật liệu phục vụ các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là đối với một số dự án trọng điểm.
Thế nhưng, cũng chính vì sự “khan hiếm” cát, một số doanh nghiệp đã có động thái “bất thường” trong quá trình đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên địa bàn. Cụ thể, ngày 23/5/2024, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa đã công bố kết quả trúng đấu giá mỏ cát 160D, địa chỉ tại bản Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Theo đó, Công ty TNHH Xây dựng Nam Sông Mã đã vượt qua 20 doanh nghiệp để trúng đấu giá mỏ cát 160D với giá trúng cao kỷ lục nhất từ trước tới nay, tăng 5.016,3% so với giá khởi điểm đấu giá.
Theo số liệu của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa, mỏ cát 160D, tại bản Khằm, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, có diện tích mỏ 9,56 ha, tài nguyên dự báo 49.399 m 3 . Đất khu vực mỏ là đất lòng sông Mã do UBND thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa quản lý, hiện trạng khu mỏ ngập nước hoàn toàn.
Giá khởi điểm của mỏ cát được xác định bằng mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản R=5%; tiền đặt trước 100 triệu đồng, bước giá 0,1% là mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề.
Được biết, Công ty TNHH Xây dựng Nam Sông Mã có địa chỉ tại số nhà 106, khu 5, thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Người đại diện theo pháp luật là ông Lê Hữu Tùng, sinh năm 1985.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một doanh nhân có thâm niên trong khai thác khoáng sản nhận định: “ Tôi hoài nghi về cách trả giá của doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát 160D. Nếu tính bài toán đơn giản thì với trữ lượng 49.399 m 3 mà họ trả giá tăng 5.016,3% so với giá khởi điểm đấu giá thì không những không có lãi mà còn bị lỗ so với giá cát đang giao dịch trên thị trường hiện nay. Đấy là còn chưa nói đến các chi phí khác”.
Có thể nói, việc Công ty TNHH Xây dựng Nam Sông Mã trúng đấu giá mỏ cát 160D có nhiều dấu hiệu “bất thường”. Những người đang hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nói chung và lĩnh vực cát nói riêng đều phải “sốc” với cách trả giá trên của doanh nghiệp này.
Theo một số chủ doanh nghiệp đang được cấp quyền khai thác mỏ cát, với cách trả giá trên thì doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát 160D đang “ngáo giá”, rất có thể lâm vào cảnh thua lỗ.
Được biết, để siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, nhằm xử lý nghiêm tình trạng vi phạm trong đấu giá, đấu thầu, khai thác khoáng sản trái phép nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, bình đẳng của pháp luật, tránh thất thoát tài nguyên và thất thu ngân sách Nhà nước.
Đặc biệt, Công an tỉnh Thanh Hóa liên tục tuyên truyền và khuyến cáo: “Nghiêm cấm hành vi khai thác khoáng sản trái phép, mọi hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính với số tiền phạt rất lớn hoặc bị xử lý hình sự. Đề nghị các doanh nghiệp, người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật, tích cực tuyên truyền, vận động, tham gia tố giác khi phát hiện những hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, các vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân”.
Nhiều doanh nghiệp trả giá cao rồi “bỏ của chạy lấy người”
Thời gian qua, câu chuyện doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát cao “chót vót” không chỉ diễn ra ở Thanh Hóa mà còn diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước.
Cụ thể, tại Hà Nội, 3 mỏ cát đã phải hủy kết quả đấu giá vì các đơn vị tham gia đấu giá bỏ giá quá cao so với thực tế. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đấu giá 3 mỏ cát nằm ở huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm, thì các đơn vị trả giá cao nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Dịch vụ KSP và Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh, với tổng số tiền trúng đấu giá lên đến 1.700 tỷ đồng, cao gấp nhiều chục lần so với giá khởi điểm và giá cát thực tế đang bán ngoài thị trường...
Còn tại tỉnh Thanh Hóa, ngày 16/2/2023, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa đã công bố kết quả trúng đấu giá đối với mỏ cát xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, diện tích 21,6 ha, đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Sơn trả giá trúng tăng 156% so với giá khởi điểm. Ngày 14/4/2023, đơn vị này chấp nhận mất 3,6 tỷ đồng tiền đặt cọc và làm đơn xin hủy kết quả trúng đấu giá và được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận.
Chưa hết, UBND tỉnh Thanh Hóa còn hủy kết quả trúng đấu giá mỏ cát ở xã Mường Lý, huyện Mường Lát của Công ty TNHH Rạng Đông chấp nhận mất số tiền đặt cọc nộp vào ngân sách Nhà nước và xin hủy kết quả trúng đấu giá sau khi trúng đấu giá cao gấp 11 lần so với giá khởi điểm và giá cát đang bán thực tế trên thị trường…
Như vậy, nhiều doanh nghiệp trong cuộc đua đấu giá quyền khai thác mỏ cát đã quên mất câu chuyện lợi nhuận mà chỉ trả giá theo ngẫu hứng, để khi đã trúng đấu giá thì họ lại tìm cách tháo chạy.
Câu chuyện trúng đấu giá mỏ cát số 160D của Công ty TNHH Xây dựng Nam Sông Mã với giá trúng cao kỷ lục, tăng 5.016,3% so với giá khởi điểm đấu giá đang được giới hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nghe ngóng bàn thổi vẫn chưa có hồi kết.
Và, kịch bản xấu nhất không loại trừ sẽ là một cuộc "bỏ của chạy lấy người" như những trường hợp đã xảy ra được dẫn chứng ở trên.