Xã hội

Thân phận lục bình Nam bộ: Ai cũng muốn "xử" lục bình

Nhiều nơi đã coi lục bình là "giặc" và tìm cách tiêu diệt...

Chuyện ít được nhắc đến ở thời buổi bùng nổ thông tin mạng xã hội hiện nay có lẽ là những vấn đề xoay quanh lục bình ở sông rạch Nam bộ. Trên thực tế, "phận lục bình" có đáng bị lãng quên?

Một ngày cuối tháng 4.2025, chúng tôi theo chân kỹ sư trẻ Vũ Viết Toàn và kỹ thuật viên cơ khí Lê Thanh Sơn từ TP.HCM về huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An (nay là xã Mộc Hóa, tỉnh Tây Ninh) ghi nhận một sự kiện quan trọng liên quan đến lục bình.

Vớt lục bình làm phân bón

Hôm ấy, tại hội trường của Công ty cổ phần nghiên cứu - bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười ở khu phố 2, thị trấn Bình Phong Thạnh (nay là ấp Bình Phong Thạnh 3, xã Mộc Hóa, tỉnh Tây Ninh), Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Long An lúc đó phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh. 

Thân phận lục bình Nam bộ: Ai cũng muốn 'xử' lục bình- Ảnh 1.

Sở Khoa học - Công nghệ tỉnh Long An (nay thuộc Tây Ninh) phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá nghiệm thu đề tài khoa học cấp tỉnh hồi tháng 4.2025

ẢNH: V.K

Sau khi chứng kiến bộ phận kỹ thuật điều khiển thiết bị vớt và tự động đóng lục bình thành những bánh lớn chất trên sà lan ngay trên sông, các bên liên quan cùng đại biểu khách mời tập trung về phòng họp đánh giá kết quả. 

Kỹ sư Vũ Viết Toàn với tư cách chủ nhiệm đã thuyết minh thành công đề tài mang tên "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy cuộn lục bình đã vớt thành bánh". Thư ký khoa học của đề tài - kỹ thuật viên cơ khí Lê Thanh Sơn (Trưởng phòng dự án thuộc Công ty cổ phần cơ khí chế tạo máy Long An) cũng hoàn thành nhiệm vụ của mình trong buổi sáng cùng các đại biểu tham dự với lưng áo đẫm mồ hôi giữa mùa hè vùng nhiễm phèn Đồng Tháp Mười.

Đó là đề tài mang mã số trúng tuyển KCLA.07.24, có thời gian thực hiện 12 tháng, tính từ tháng 8.2024 đến tháng 7.2025. Công ty TNHH MTV đóng sà lan Nguyên Hồng (huyện Thủ Thừa, Long An - nay là xã Mỹ Thạnh, tỉnh Tây Ninh) là đơn vị được giao tổ chức thực hiện, cùng sự phối hợp của Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia điều khiển số và kỹ thuật hệ thống (thuộc Trường đại học Bách khoa TP.HCM). 

Đặt mục tiêu chế biến lục bình đã thu vớt thành sản phẩm có giá trị thương mại là các bánh lục bình cuộn phục vụ công tác "tủ cây trồng" nhằm giảm chi ngân sách cho công tác xử lý loại "giặc" này, những người thực hiện đề tài đã về đích sớm, rút ngắn tiến độ được 3 tháng.

Là chuyên gia cơ khí gắn bó với nhà nông từ thời "máy tuốt lúa" mấy mươi năm trước, Giám đốc Công ty TNHH MTV đóng sà lan Nguyên Hồng - ông Ngô Nguyên Hồng lần này trở lại với công nghệ mới là chiếc sà lan có lắp dàn thiết bị tự cuốn và đóng bánh lục bình ngay trên sông rạch, công suất tối đa có thể đạt 60 bánh mỗi giờ, trọng lượng sau vắt nước là 60 kg/bánh.

Thân phận lục bình Nam bộ: Ai cũng muốn 'xử' lục bình- Ảnh 2.

Kỹ sư Vũ Viết Toàn (đứng) - chủ nhiệm đề tài khoa học “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy cuộn lục bình đã vớt thành bánh” thuyết trình tại hội trường

ẢNH: V.K

Bám sát mục tiêu đề tài khoa học và được sự hỗ trợ từ phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, ưu thế vượt trội của thiết bị trình diễn lần này là có khả năng loại bỏ rác; đồng thời đóng lục bình thành bánh theo trọng lượng yêu cầu. 

Đây được coi là giải pháp mới, hướng tới mô hình khai thác và xử lý lục bình một cách hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Ngay lần ra mắt này, Công ty cổ phần nghiên cứu - bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười đã đặt mua 300 bánh lục bình với giá 13.000 đồng/bánh, thay thế cho bánh rơm giá hơn 40.000 đồng/bánh dùng làm phân bón cho cây dược liệu hiện thời. 

Một số hợp tác xã nông nghiệp cũng đặt mua bánh lục bình thành phẩm và tìm hiểu cơ hội đầu tư thiết bị để chủ động vận hành thu vớt trên các khu vực sông rạch lân cận.

Con đường dễ hay khó?

Hơn 1 tháng sau sự kiện trình diễn trên sông ở Mộc Hóa như đã kể trên, sự kiện nổi bật thứ 2 đối với thiết bị của Công ty TNHH MTV đóng sà lan Nguyên Hồng là tham gia chương trình ra quân "bảo vệ dòng sông quê hương" của Quận đoàn Ninh Kiều (Cần Thơ - nay thành hai phường Thới Bình và Xuân Khánh, TP.Cần Thơ) hôm 1.6.2025. Theo giám đốc Ngô Nguyên Hồng, một số đối tác cũng tìm hiểu thiết bị công nghệ nhưng chưa ký kết những hợp tác chuyển giao lớn. 

Trong khi đó, lục bình vẫn lan nhanh trên các sông rạch, chiếm lĩnh những dòng kênh vốn là tuyến giao thông huyết mạch vận chuyển lúa gạo và nông sản miền Tây. Ở nhiều địa phương, lục bình thậm chí đã làm đội chi phí vận chuyển, đẩy gía lúa tăng theo.

Thân phận lục bình Nam bộ: Ai cũng muốn 'xử' lục bình- Ảnh 3.

Công ty TNHH MTV đóng sà lan Nguyên Hồng trình diễn thiết bị tự cuốn và đóng bánh lục bình

ẢNH: V.K

Ngân sách thu dọn lục bình hằng năm trên các sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, và ngay cả sông Sài Gòn vẫn được bàn đến ở các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương… trước thời điểm sáp nhập giữa đầu tháng 6 năm nay.

Cũng có ý kiến cho rằng, lục bình trên sông cũng là tài nguyên mặt nước thuộc quyền quản lý của chính quyền do vậy cần có chính sách rõ ràng nếu các tổ chức, cá nhân khai thác kinh doanh hưởng lợi. Trên thực tế, đến giờ này cũng chỉ thấy ngân sách nhà nước chi ra chứ chưa có cơ chế thu về. 

Sở GTVT Tây Ninh cũng từng trình UBND tỉnh phê duyệt phương án và dự toán kinh phí "xử lý lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông" để làm cơ sở tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện trong thời gian 5 năm, từ 2022 - 2027 với mức chi gần 2,7 tỉ đồng/năm.

Trên sông Sài Gòn, từ năm 2015 đã từng có "kế hoạch liên tịch 9191" giữa Sở TN-MT TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai cùng Sở NN - PTNT tỉnh Long An và Sở Thân phận lục bình Nam bộ: Ai cũng muốn 'xử' lục bình Tây Ninh nhằm xanh hoá dòng chảy. Theo kế hoạch hành động chung, mỗi địa phương đều có những chương trình riêng xử lý vấn đề lục bình.

Năm 2022, Công ty cổ phần nước - môi trường Bình Dương trúng gói thầu "trục vớt, xử lý lục bình trên sông Sài Gòn" và đã đưa được hàng ngàn tấn về Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương xử lý theo quy định. 

Tuy nhiên, thời điểm đó công nghệ "trục vớt lục bình" chỉ bao gồm các phương tiện như: máy xúc đào bánh lốp đa năng, tàu kéo, xe tải tự đổ…

Tại sông Vàm Cỏ Đông, năm ngoái kế hoạch "tăng cường trục vớt lục bình" cũng được triển khai trước thời điểm kỷ niệm ngày đất nước thống nhất 30.4. 

Có thể nói, nhiều năm qua không chỉ riêng người dân một số nơi đơn độc tự xử bằng cách phun thuốc diệt cỏ xuống sông rạch dẹp lục bình, mà các bên liên quan như nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học cũng đã vào cuộc rất quyết liệt.

Các tin khác

Petrolimex có tổng giám đốc mới

Ông Lưu Văn Tuyển quê Hưng Yên, có trình độ cử nhân kế toán và thạc sĩ kinh tế được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Petrolimex. Ông Tuyển gia nhập Petrolimex từ năm 2002 với vị trí thành viên Ban kiểm soát.

Chuyên gia dự báo: Điểm chuẩn có thể giảm 2–3 điểm, nhưng chưa chắc dễ đậu

Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 cho thấy mức độ phân hóa rõ rệt, nhiều môn điểm trung bình giảm mạnh, đặc biệt là Toán và Tiếng Anh. Trong khi đó, một số trường đại học top đầu ghi nhận lượng thí sinh đăng ký tăng mạnh. Điều này khiến việc dự đoán điểm chuẩn trở nên phức tạp và đầy bất ngờ.