Doanh nghiệp

Tập đoàn xây dựng hàng đầu Trung Quốc sẽ cùng Vingroup thực hiện dự án cầu Tứ Liên tại Hà Nội

VIC:

Giá hiện tại
Thay đổi
Xem hồ sơ doanh nghiệp

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa thông báo kết luận của Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh tại buổi làm việc về tình hình triển khai đầu tư xây dựng một số cầu lớn qua sông Hồng vào ngày 7/11. Theo đó, Chủ tịch UBND thanh phố Hà Nội thống nhất chủ trương dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bằng vốn đầu tư công (theo hướng hợp đồng EPC).

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội phân công Phó chủ tịch Dương Đức Tuấn làm việc với Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) và Tập đoàn Vingroup để trao đổi, thống nhất phương án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên đảm bảo khả thi, hiệu quả, sớm triển khai xây dựng.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao khẩn trương xem xét tờ trình của Sở Giao thông Vận tải (GTVT) về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư, tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND TP trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 1/2025. Bên cạnh đó, tham mưu bố trí vốn đầu tư công thực hiện dự án đầu tư. Trước đó, tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên được tạm tính gần 20.000 tỷ đồng.

Vào giữa tháng 10, Tập đoàn Vingroup gửi đề xuất lên UBND thành phố Hà Nội về việc tham gia đầu tư xây dựng dự án cầu Tứ Liên theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (Hợp đồng BT).

Vingroup cam kết sẽ hoàn thành cầu Tứ Liên đúng tiến độ và chất lượng, xứng tầm là một trong những công trình biểu tượng mới của Thủ Đô. Dự án cầu Tứ Liên là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Thành phố Hà Nội, nằm trong quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với dự án cầu Trần Hưng Đạo và đường hai đầu cầu, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh đã thống nhất triển khai bằng nguồn vốn đầu tư công. Sở Giao thông Vận tải được giao nhiệm vụ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình phê duyệt trong tháng 2/2025. Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải đề xuất phương án bố trí vốn để dự án có thể khởi công sớm, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Về dự án cầu Ngọc Hồi, Chủ tịch UBND Thành phố cũng phê duyệt chủ trương sử dụng nguồn vốn đầu tư công, bao gồm ngân sách Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và vốn hỗ trợ từ Trung ương. Các sở, ngành liên quan được giao tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu chính, đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp cảnh quan, và trình UBND Thành phố trong tháng 12/2024. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi phải hoàn thiện, phê duyệt vào tháng 1/2025.

Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương được biết đến là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Tập đoàn này đã tham gia hơn 1.000 dự án đầu tư, xây dựng và quản lý các dự án hạ tầng và khu công nghiệp với nhiều hình thức đầu tư khác nhau. Năm 2023, Thái Bình Dương đạt doanh thu 79,5 tỷ USD, lợi nhuận 5,2 tỷ USD.

Tại Việt Nam, tập đoàn này đã ký biên bản ghi nhớ với UBND thành phố Hà Nội về việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong 5 năm tới. Ngoài ra, Tập đoàn Thái Bình Dương cùng Vinaconex cũng đã ký kết biên bản hợp tác với Sở Giao thông vận tải Hà Nội về các dự án quan trọng tại Hà Nội.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm