Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là nhận định của bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong chuyến thăm làm việc đầu tiên tới Việt Nam mới đây.
Mặc dù nhiều tổ chức quốc tế như IMF hay World Bank đánh giá cao những kết quả đạt được của Việt Nam trong năm 2022, nhưng họ cũng nhấn mạnh Việt Nam cần cẩn trọng với những thách thức lớn hơn trong năm 2023.
IMF nhận định năm vừa qua Việt Nam tuy phải đối mặt với tác động kép từ những khó khăn của tình hình trong nước và thế giới, nhưng nền kinh tế vẫn đạt những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định và lạm phát được kiểm soát.
IMF, World Bank đánh giá cao những kết quả đạt được của Việt Nam trong năm 2022. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Việt Nam là một trong những nền kinh tế có thành tích tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương với tăng trưởng GDP trên 8% và lạm phát giữ dưới mức mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2023, nhu cầu sụt giảm ở các nền kinh tế lớn sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, xu hướng thắt chặt tài chính trên toàn cầu cũng sẽ tác động đến ngành sản xuất. Nhu cầu trong nước không thể tăng quá mạnh khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp để kiểm soát lạm phát. Với tất cả những rào cản này, chúng tôi dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 sẽ khoảng 5,8%, đây vẫn là mức cao đáng kể so với các nước khác trong khu vực hay nhiều nước trên thế giới, dù không bằng 2022, nhưng vẫn là một sự tăng trưởng mạnh mẽ", bà Antoinette Sayeh, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận định.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra mức dự báo cao hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là 6,3%. Đây là mức dự báo tăng trưởng cao thứ 2 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các hoạt động kinh tế có thể sẽ được hỗ trợ do nhu cầu dồn nén tại Trung Quốc đã được giải phóng khi quốc gia này dỡ bỏ gần hết các hạn chế di chuyển liên quan đến COVID-19 kể từ ngày 8/1. Tuy nhiên World Bank cũng cho rằng 2023 sẽ là 1 năm nhiều khó khăn hơn với nền kinh tế.
"Mức dự báo 6,3% có nghĩa năm sau Việt Nam vẫn thuộc top các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất trong khu vực. Tuy nhiên, 2 động lực tăng trưởng chính trong năm ngoái là xuất khẩu và nhu cầu nội địa đều sẽ điều chỉnh giảm trong năm nay. Các nền kinh tế lớn như Mỹ và EU sẽ tăng trưởng rất ít trong năm 2023. Đây lại là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Thực tế hiện nay xuất khẩu đã có dấu hiệu chậm lại. Một đối tác thương mại lớn khác là Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi dần, nên đây là yếu tố giúp phần nào cân bằng lại xuất khẩu của Việt Nam", bà Dorsati Madani, chuyên gia kinh tế cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho biết.
Một áp lực bên ngoài khác là xu hướng thắt chặt tiền tệ trên toàn cầu, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất và áp lực tỷ giá vẫn còn, các chuyên gia khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa.
Bối cảnh toàn cầu với đặc trưng là sự không chắc chắn và rủi ro hiện nay đặt các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần tiếp tục cân bằng giữa nhu cầu hỗ trợ chính sách để củng cố quá trình phục hồi với nhu cầu kiềm chế lạm phát và rủi ro tài chính mới nổi.