Mặc dù, số liệu thống kê chính thức được công bố vào cuối tháng 3 nhưng đã bắt đầu có những dự báo về tăng trưởng GDP trong quý đầu năm.
Tăng trưởng GDP quý I dự báo từ 5,5%
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP Quý I/2024 của Việt Nam duy trì ở mức vừa phải, đạt 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về dự báo này, ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered cho biết dữ liệu tháng 3 có dấu hiệu phục hồi sau dịp Tết Nguyên Đán, nhờ doanh số bán lẻ. Tăng trưởng doanh số bán lẻ được dự báo tăng trưởng ở mức 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu được dự báo hồi phục ở mức 5,2% và nhập khẩu đạt mức 5,0% so với cùng kỳ.
Standard Chartered cũng dự báo tăng trưởng GDP sẽ tăng tốc từ 6,2% trong nửa đầu năm lên mức 6,9% trong nửa cuối năm nay và cả năm đạt 6,7%.
Ngân hàng UOB (Singapore) thì dự báo trong quý I/2024, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 5,5% và cả năm ở mức 6,0%. Ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB cho rằng động lực chung trong lĩnh vực sản xuất và thương mại bên ngoài đang có những dấu hiệu tích cực, đặc biệt là chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đang khá tích cực, khi cả trong tháng 1 và tháng 2 đều ở mức trên 50 điểm, để chứng minh cho nhận định của mình.
“Các yếu tố đặc biệt tích cực của kỳ khảo sát PMI mới nhất là việc làm tăng trở lại và niềm tin kinh doanh đạt mức cao nhất trong một năm”, đại diện UOB nhấn mạnh.
“Động lực chung trong lĩnh vực sản xuất và thương mại bên ngoài đang có những dấu hiệu tích cực và chúng tôi kỳ vọng tốc độ này sẽ duy trì, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2024 khi sự phục hồi trong lĩnh vực bán dẫn vững chắc hơn và các ngân hàng trung ương toàn cầu bắt đầu vận hành chính sách lãi suất phù hợp hơn”, ông Suan Teck Kin nhận định.
Còn theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp do CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), chưa thể loại bỏ kịch bản dù kinh tế thế giới dù không suy thoái nhưng tăng trưởng chậm lại hay thương mại quốc tế giảm động lực tăng trưởng.
Đặc biệt, áp lực về đáo hạn các khoản trái phiếu trong năm 2024 vẫn còn rất lớn khi khối lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm nay đạt đỉnh điểm với tổng giá trị đáo hạn lên tới gần 279.219 tỷ đồng, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 115.663 tỷ đồng, tương đương 41,4%. Điều này có thể làm tăng áp lực thanh khoản cho các doanh nghiệp, tạo sức ép tài chính và ảnh hưởng đến việc tái cơ cấu cũng như các kế hoạch của doanh nghiệp.
“Với những khó khăn này, chỉ có 5,3% doanh nghiệp cho rằng năm 2024 tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 6,5% và đa số doanh nghiệp (31,6%) lựa chọn kịch bản tăng trưởng từ 5,0 - 5,5%”, ông Vũ Đăng Vinh, Giám đốc Vietnam Report thông tin.
Kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng tốt lên
Tuy nhiên, ông Vinh cũng chỉ ra điểm tích cực là mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đã phần nào cải thiện. Trong hai tháng đầu năm nay, triển vọng nền kinh tế trong năm 2024 được các doanh nghiệp đánh giá ở mức 3,5/5 – mức khả quan so với năm 2023. Trong khi đó, triển vọng của chính bản thân doanh nghiệp được đánh giá khởi sắc hơn ở mức 3,8/5.
Sự lạc quan của doanh nghiệp có thể tạo ra một chu trình tích cực, đi kèm với một tinh thần sẵn lòng đối mặt với thách thức và tìm kiếm cơ hội trong mọi tình huống, thể hiện sự tự tin và khả năng thích ứng của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh khó khăn. Hơn nữa, dấu hiệu phục hồi dù chậm và không đồng đều song cơ bản đã và đang dần xuất hiện ở một số lĩnh vực và ngành nghề.
"Điểm tựa tăng trưởng cho các doanh nghiệp trong năm 2024 đến từ sự đồng hành của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô được giữ ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, mặt bằng lãi suất cho vay giảm cùng các chính sách gỡ khó, hỗ trợ khơi thông các nguồn lực là cơ sở quan trọng cho doanh nghiệp vững tin đầu tư, kinh doanh, kiến thiết lại một quỹ đạo tăng trưởng mới", ông Vinh kỳ vọng.
Về những thuận lợi của kinh tế Việt Nam trong năm 2024, ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá kinh tế Việt Nam đang trong xu hướng tốt lên, không chỉ từ phía bên ngoài mà cả trong nội tại khi tiêu dùng tăng, hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi, đầu tư nước ngoài tăng mạnh, khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh.
Dù vậy, đầu tư công vẫn “gánh” vai trò chủ đạo trong khi các động lực truyền thống khác như xuất khẩu và tiêu dùng chưa phục hồi như giai đoạn kết thúc đại dịch COVID-19 với tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023, sẽ tạo đà cho giải ngân trong thời giới tới, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2024.
“Theo tính toán, khi giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% thì tăng trưởng GDP tăng thêm 0,058%; giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư của khối ngoài nhà nước, góp phần kích cầu kinh tế, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Với lượng vốn lớn đưa vào nền kinh tế trong năm 2023, đầu tư công đã phát huy vai trò là động lực dẫn dắt, thúc đẩy tăng trưởng GDP. Vì vậy, mục tiêu 6,5% là mục tiêu khá thận trọng, tôi lạc quan hơn mục tiêu đó.”, ông Tú Anh tin tưởng.
Tuy vậy, ông Tú Anh nhấn mạnh, đầu tư công vẫn chỉ là đóng vai trò dẫn dắt, để tạo được sức bật cho nền kinh tế phải thúc đẩy đầu tư nước ngoài và đầu tư tư nhân. Trong bối cảnh đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh cần được coi là một trong những yếu tố quan trọng để tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư nhân vào tăng trưởng và phát triển nền kinh tế. Đồng thời, cũng trở thành một trong những biện pháp quan trọng giúp nền kinh tế tăng trưởng và phát triển bền vững trong cả giai đoạn 2025 – 2030.