Sau chuỗi 3 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có phiên 9/8 điều chỉnh giảm mạnh. Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm 8,24 điểm để đóng cửa ở mức giá 1.233,99 điểm với thanh khoản hơn 21.709 tỷ đồng cùng gần 1,1 tỷ cổ phiếu được sang tay. Trong khi đó, rổ chỉ số VN30 ghi nhận sắc đỏ áp đảo với 27 mã giảm, 2 mã tăng và 1 mã tham chiếu.
Chỉ số HN-Index cũng giảm 0,19 điểm, đóng cửa ở 245,88 điểm, trong khi chỉ số Upcom-Index tăng nhẹ 0,16 điểm để đóng cửa ở mức 93,80 điểm.
Trái ngược với đà giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch ngày 9/8, mã cổ phiếu STB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín ghi nhận mức tăng mạnh 1.400đ/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 4,7%, để đóng cửa ở mức giá 31.200đ/cổ phiếu, đây cũng là mã cổ phiếu ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong rổ chỉ số VN30.
Đà tăng mạnh của STB đến sau thông tin nhà băng này đang lên kế hoạch bán ra 32,5% vốn tại Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) trong quý 4/2023. Theo ước tính của chứng khoán Chứng khoán DSC, mức giá rao bán tối thiểu sẽ ở khoảng 32.000-34.000 đồng/cổ phiếu. DSC đánh giá việc bán vốn có thể tạo động lực tăng giá mạnh cho cổ phiếu STB trong năm 2023.
Dữ liệu của DSC cho thấy, tính đến quý 2/2023, Ngân hàng Sacombank gần như đã xử lý xong hoàn toàn khoản nợ xấu tồn đọng từ việc sát nhập ngân hàng Phương Nam năm 2015. Tính đến hết quý 2/2023, dư nợ khoản trái phiếu VAMC của ngân hàng này chỉ còn 4.400 tỷ.
Khối tài sản của Chủ tịch Dương Công Minh tăng mạnh từ đầu năm cùng đà tăng của cổ phiếu STB
Mức tăng của STB trong phiên giao dịch ngày 9/8 cũng giúp khối tài sản của Chủ tịch Dương Công Minh ghi nhận tăng thêm gần 100 tỷ đồng. Theo đó, với việc đang trực tiếp nắm giữ hơn 62,5 triệu cổ phiếu STB, khối tài sản của đại gia 62 tuổi người Bắc Ninh ghi nhận mức tăng thêm hơn 87,6 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, Chủ tịch Dương Công Minh đang trực tiếp nắm giữ khối tài sản trị giá hơn 1.952 tỷ đồng. Khối tài sản của Chủ tịch STB đã ghi nhận tăng mạnh kể từ đầu năm 2023.
Sau phiên điều chỉnh mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 10/8, chuyên gia của chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index có thể sẽ tăng điểm trở lại từ hỗ trợ EMA5 ngày. Ở kịch bản này, chỉ số sẽ hướng lên ngưỡng kháng cự kỹ thuật quanh 1.260 điểm với sự đồng pha của các phân khúc vốn hóa lớn, vừa và nhỏ (đại diện bởi các chỉ số như VN30, VNMidcap, HNX-Index và VNSmallcap). Ở kịch bản nếu lực bán vẫn còn tỏ ra chiếm ưu thế so với lực cầu, VN-Index có thể sẽ tiếp tục thoái lui về hỗ trợ EMA10 tại 1.223 điểm trước khi hồi phục trở lại.
Chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) dự báo thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh nhẹ và sớm quay trở lại đà tăng trong phiên kế tiếp. Đồng thời, vùng 1.228-1.230 điểm được xem là vùng hỗ trợ gần nhất cho nhịp điều chỉnh của chỉ số VN-Index, đặc biệt rủi ro ngắn hạn có dấu hiệu gia tăng cho nên các nhà đầu tư nên hạn chế mua mới trong ngắn hạn và ưu tiên cổ phiếu có sẵn trong tài khoản.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn tỏ ra lạc quan với xu hướng hiện tại. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và hạn chế mua mới trong giai đoạn này.
Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) dự báo trong phiên giao dịch 09/08, áp lực bán tại vùng kháng cự gần 1.235-1.240 điểm có thể khiến chỉ số VN-Index quay đầu giảm điểm trong phiên sáng, để kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1.225-1.230 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1.215-1.220 điểm, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Trong khi đó, chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định khả năng thị trường sẽ tiếp tục được hỗ trợ tại vùng 1.230 điểm và hồi phục trở lại trong phiên giao dịch tiếp theo (10/08), tạm thời diễn biến hồi phục sẽ mang tính chất kiểm tra lại nguồn cung.
Nhà đầu tư cần quan sát và đánh giá nỗ lực hỗ trợ của dòng tiền trong thời gian tới. Tạm thời có thể nắm giữ các cổ phiếu đang có tín hiệu tốt từ dòng tiền. Tuy nhiên, vẫn cần cân nhắc chốt lời tại các cổ phiếu đã tăng nhanh đến vùng kháng cự hoặc đang có tín hiệu phân phối để cân đối lại danh mục.