Sức khỏe

Sốt xuất huyết gây biến chứng gì, khi nào cần nhập viện?

ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - phó trưởng bộ môn nhiễm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, tư vấn:

- Sốt xuất huyết được chia làm 3 mức độ từ nhẹ đến nặng. Các dấu hiệu ban đầu của sốt xuất huyết bao gồm: sốt cao đột ngột, nhiệt độ từ 39 - 40 độ C. Có thể xuất hiện hiện tượng xuất huyết, nổi mẩn, phát ban.

Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, bệnh có nguy cơ diễn biến xấu, gây sốc hoặc tổn thương các cơ quan khác. Ở giai đoạn nặng, người bệnh thường có các biểu hiện xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng...

Đồng thời, sốt xuất huyết có thể dẫn đến các biến chứng về mắt như mù đột ngột do xuất huyết võng mạc, xuất huyết trong dịch kính mắt. Có thể dẫn đến suy tim do chảy máu liên tục, khiến tim không đủ máu tuần hoàn. Bên cạnh đó, khi huyết tương trong cơ thể bị tràn sẽ xâm nhập vào đường hô hấp, gây viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi.

Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị sốt xuất huyết càng có nguy cơ cao đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi bệnh nhân sốt cao, khiến nhịp tim thai đập nhanh hơn, có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Khi có các dấu hiệu như chảy máu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đau ngực, khó thở... bệnh nhân phải đến ngay bệnh viện để kịp thời phát hiện và chữa trị, tránh những biến chứng không mong muốn.

Bạn đọc có những thắc mắc về sức khỏe người lớn và trẻ em, dinh dưỡng, tiêm ngừa, chấn thương... có thể gửi email đến hộp thư [email protected] (để chính xác nội dung, bạn đọc vui lòng gõ tiếng Việt có dấu). Chuyên mục Hỏi đáp cùng thầy thuốc sẽ chọn lọc và giúp bạn giải đáp.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm