Doanh nghiệp

"Shark" Thủy: Apax Leaders nhất định khôi phục hoạt động kinh doanh tại TP HCM

Quan điểm này được ông Nguyễn Ngọc Thủy - Chủ tịch Egroup nêu trong cuộc họp nhà đầu tư tối qua (17/11). Ông thừa nhận kế hoạch mở lại hoạt động tại thị trường TP HCM và miền Nam của Apax Leaders đang chậm trễ. Hiện tại, chuỗi trung tâm dạy tiếng Anh này mới mở cửa hai trung tâm Him Lam (quận 6) và Phan Xích Long (Phú Nhuận). Trong khi trước đó, công ty lên kế hoạch mở 14 trung tâm toàn quốc, tập trung chủ yếu ở TP HCM và hoàn thành trong tháng 7.

Giải thích việc này, ông Thủy nói thời gian qua Apax Leaders mới hoàn thành một phần việc rút phí. Công ty đã trả hơn 20 tỷ đồng cho nhóm phụ huynh đợt đầu và vẫn chậm thanh toán phí cho nhóm phụ huynh đợt hai (lộ trình mới sẽ kéo dài đến cuối năm 2025). Việc này khiến họ bức xúc, gây khó khăn cho tình hình hoạt động công ty.

"TP HCM là thị trường vô cùng khó khăn và thách thức nhưng chúng tôi nhất định hoàn thành kế hoạch khôi phục hoạt động kinh doanh ở đây", ông nói.

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (bên trái) và ông Đinh Xuân Tùng trong buổi họp tối 17/11. Ảnh: Egroup

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (bên trái) và ông Đinh Xuân Tùng trong buổi họp tối 17/11. Ảnh: Egroup

Lãnh đạo Egroup cho rằng số lượng phụ huynh muốn rút học phí "chỉ là một phần" và vẫn còn nhiều khách hàng đang chờ họ quay trở lại. Thời gian qua, công ty ghi nhận nhiều phụ huynh tiếp tục tìm đến Apax Leaders sau khi công ty vận hành trở lại chương trình Chungdamn - chương trình học từng giúp Apax từ một trung tâm Anh ngữ duy nhất phát triển thành hệ thống lớn với 130 điểm dạy vào thời hoàng kim.

Năm 2019, Apax Leaders từng đạt quy mô 50 trung tâm tại TP HCM và có 22.000 học sinh. Phía Egroup không cung cấp số lượng khách hàng muốn rút học phí, nhưng trên nhóm trao đổi giữa các phụ huynh có nhu cầu này, số lượng thành viên là hơn 950 người. Sau đợt hoàn tất thanh toán cho nhóm phụ huynh đầu, hiện công ty này còn hơn 230 phụ huynh vẫn chưa được trả lại học phí.

Thời gian trước, khi Apax Leaders trong giai đoạn khủng hoảng trầm trọng, nhiều đơn vị dạy tiếng Anh đã đưa ra chương trình hỗ trợ học sinh chuỗi này sang các trung tâm của họ với mức học phí ưu đãi. Việc này cũng rút bớt số lượng học sinh của Apax Leaders. Chưa kể, vẫn có số lượng không nhỏ phụ huynh tự chuyển con của họ sang học tại các trung tâm khác mà không cần rút học phí. Tại TP HCM, thị trường dạy tiếng Anh cho trẻ em rất sôi động, các trung tâm vẫn đang "mọc" liên tục khắp nơi.

Tuy nhiên, ông Đinh Xuân Tùng - CEO Egroup, cho rằng doanh nghiệp này vẫn có lợi thế cạnh tranh đến từ mô hình hệ sinh thái giáo dục. Hiện Egroup đang vận hành bốn thương hiệu gồm hai chuỗi dạy tiếng Anh Apax Leaders và English Now, toán tư duy CMS, trường mầm non Steame. "Nếu xếp riêng một thương hiệu, chúng tôi không phải nhà cung cấp dịch vụ mạnh nhất nhưng khi kết hợp lại sẽ tạo ra điểm khác biệt trên thị trường", ông Tùng nói.

Do đó trong thời gian tới, ông Tùng cho biết Egroup sẽ tập trung phát triển theo mô hình một trung tâm cung cấp nhiều sản phẩm, hướng tới việc một khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ. Ban lãnh đạo công ty xác định đây là chiến lược và định hướng quan trọng. Các thương hiệu hỗ trợ và kết hợp với nhau giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tối ưu mặt bằng, cung cấp nhiều dịch vụ giáo dục ngay cùng một địa điểm. Trước mắt, công ty sẽ chuyển đổi 38 trung tâm tiếng Anh thành các trung tâm Apax Leaders kết hợp CMS. Sau đó, 14 trường mầm non Steame cũng sẽ tích hợp ít nhất một trung tâm thuộc các thương hiệu CMS, Apax Leaders, English Now.

Apax Leaders là chuỗi trung tâm dạy tiếng Anh cho trẻ em, xương sống kinh doanh của Egroup. Cuối năm ngoái, Apax Leaders bị nhiều phụ huynh tại TP HCM, Hà Nội, Đăk Lăk, Đà Nẵng khiếu nại vì chất lượng giảng dạy không như cam kết, "ôm tiền bỏ rơi khách hàng" và yêu cầu hoàn trả học phí. Song song đó, Egroup cũng nợ lương và bảo hiểm nhân viên, chậm trả lãi cho nhà đầu tư.

Sau đó, Egroup lập kế hoạch tái cấu trúc, tập trung tối ưu các chi phí về mặt bằng và vận hành, dồn mọi nguồn lực nâng cao chất lượng giảng dạy Apax Leaders. Đến nay, chuỗi này có 38 trung tâm, chủ yếu ở miền Bắc. Apax Leaders ghi nhận hơn 11.000 học sinh, nhưng có đến 10.000 người thuộc dạng đã đóng tiền trước đó, nên doanh thu ghi nhận mới chưa cao.

Trong cuộc họp, nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn về kế hoạch trả nợ của Egroup liệu có bị kéo dài thêm hay không, vì công ty vừa dời thời hạn trả học phí của nhóm phụ huynh đợt hai thêm một năm rưỡi.

Đáp lại, ông Nguyễn Ngọc Thủy hứa sẽ giữ nguyên lộ trình trả nợ cho nhà đầu tư trong 3-5 năm tới sau khi khôi phục hoạt động kinh doanh và kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư. Trước mắt, nhà đầu tư Egroup chỉ có thể hoán đổi nợ sang bất động sản, gói đầu tư tái cấu trúc các trung tâm tiếng Anh, gói học tiếng Anh và các thiết bị gia dụng.

Tuy nhiên một số nhà đầu tư nói thời gian qua tiến độ chốt công nợ của Egroup diễn ra rất chậm. Ông Thủy giải thích rằng để tiết kiệm chi phí nên bộ phận kế toán phải cắt giảm, dẫn đến quá trình chốt công nợ chậm lại. Egroup dự kiến đến khoảng cuối quý II/2024 mới hoàn thành. Ngoài ra trong thời gian tới, công ty sẽ tổ chức cuộc họp với trái chủ để tìm giải pháp liên quan vấn đề trái phiếu.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm