Các thị trường chứng khoán mới nổi tại châu Á đang oằn mình dưới tác động của đồng USD mạnh lên. Đợt tăng lãi suất lớn trong tuần này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ càng đẩy nhanh cuộc tháo chạy của dòng vốn quốc tế.
Ông Manishi Raychaudhuri, trưởng bộ phận nghiên cứu chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng BNP Paribas viết trong lưu ý ngày 17/9: “Rủi ro suy thoái và thắt chặt tiền tệ nghiêm trọng tại các thị trường mới nổi đang đè nặng lên kỳ vọng thu nhập của chứng khoán châu Á cũng như dòng tiền vào ra thị trường mới nổi hơn bao giờ hết.
Có vẻ như cho đến khi chúng ta có được một số hiểu biết rõ ràng về lộ trình chính sách của Fed, dòng tiền chảy khỏi thị trường mới nổi châu Á sẽ không ngừng lại”.
Dự trữ ngoại hối và cách quản lý chính sách tổng thể của các nền kinh tế mới nổi châu Á hiện nay đã tốt hơn so với sự kiện “taper tantrum” năm 2013, khi các nhà đầu tư đua nhau bán tháo lúc Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, đồng USD vụt tăng mạnh đang buộc các nước trong khu vực thắt chặt chính sách tiền tệ, gây ra sự xáo trộn trên hầu hết các thị trường.
Dòng tiền chảy ra khỏi các thị trường mới nổi tại châu Á trong năm 2022 đã lên đến khoảng 64 tỷ USD, nhiều hơn cả năm 2021. Các thị trường phụ thuộc nhiều vào cổ phiếu công nghệ như Đài Loan và Hàn Quốc chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề. Chỉ số chứng khoán của hai nền kinh tế này đã rơi xuống nhóm có hiệu suất tồi tệ nhất trên thế giới trong năm nay.
Các nhà đầu tư dự đoán các thị trường mới nổi châu Á sẽ phát thêm tín hiệu thắt chặt chính sách tiền tệ sau khi Fed thông báo quyết định tăng lãi suất vào ngày 21/9. Theo Bloomberg Intelligence, tương quan nghịch giữa chứng khoán thị trường mới nổi và đồng USD đã trở nên rõ rệt hơn trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, các thị trường trong khu vực cũng xuất hiện một số sự chia rẽ. Thị trường Bắc Á đang suy yếu nhưng dòng tiền rời khỏi Ấn Độ đã đảo chiều và các thị trường như Indonesia lại đang hút dòng vốn vào.
Chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ tăng hơn 11% trong quý này, còn chỉ số chứng khoán chính của Thái Lan và Indonesia tiến thêm khoảng 4%. Ngược lại, Hàn Quốc thì chứng kiến mức tăng khiêm tốn 1% còn Đài Loan thì suy giảm.
Một số nhà đầu tư đang tìm kiếm chỗ trú ẩn trong nhóm cổ phiếu phòng thủ. Một thước đo liên quan các cổ phiếu tiện ích có hiệu suất hàng đầu tại châu Á quý này. Chỉ số này chỉ giảm nhẹ 0,5% trong khi chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương lại sụt mất 5,5%.
Ông Sat Duhra, nhà quản lý quỹ tại công ty quản lý tài sản toàn cầu Janus Henderson Investors cho biết: “Chúng tôi đang tăng nhẹ cổ phiếu phòng thủ trong danh mục, chủ yếu thông qua nhóm viễn thông bởi chúng có tiềm tăng trưởng thực sự tốt sau nhiều năm đầu tư”. Đồng thời, ông cắt giảm cổ phiếu tiêu dùng và công nghệ.