Trong chương trình "Anh hùng khởi nghiệp" của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), một doanh nhân khiếm khuyết đã dũng cảm đứng trên sân khấu nói về quá trình trưởng thành của mình và dự án "Sườn xám+".
Sau cùng, dự án của anh không chỉ giành được sự chấp thuận của ban cố vấn mà còn giành được 39 triệu NDT vốn tài trợ.
Thành tích xuất sắc của anh lập tức thu hút nhiều sự chú ý, ngay cả nữ doanh nhân nổi tiếng Đổng Minh Châu cũng hết lời khen ngợi:
"Cậu ấy có một sự khao khát trong tim, hay một sự kiên trì và tinh thần chiến đấu với thử thách. Tôi nghĩ cậu ấy có một trái tim mạnh mẽ. Tôi tin rằng cậu ấy có thể làm bất cứ điều gì miễn là cậu ấy muốn làm, với lòng tin của riêng mình cậu ấy sẽ làm tốt việc đó."
Anh chính là Thôi Vạn Chí, người được mệnh danh là "Quý ông sườn xám".
Điểm tựa lớn nhất của mỗi người đó chính là bản thân chúng ta
Thôi Vạn Chí có thể sống sót đã là một điều kỳ tích, khi ra đời anh đã suýt chết vì bị dây rốn quấn vào cổ.
Dù được cứu sống nhưng tình trạng thiếu oxy đã khiến anh bị khiếm khuyết vĩnh viễn. Anh ta gặp khó khăn trong việc di chuyển và nói năng, từ nhỏ đã phải nhẫn nhịn những ánh mắt xem thường và chế giễu của người khác.
Mãi đến năm 9 tuổi, anh được nhận vào một trường học. Trên đường từ nhà đến trường có một con mương, những đứa trẻ khác có thể nhảy qua, nhưng anh phải nhờ cha cõng.
Có lần, anh không nhờ cha đưa đi học, khi đi đến bờ mương, anh nghĩ ra một cách. Trước tiên ngồi trên mặt đất, trượt từ từ xuống đáy mương, sau đó từ đáy mương trèo lên. Sau hơn mười phút, cuối cùng anh cũng có thể tự mình "đi bộ" qua con mương.
Nhờ vậy, anh nhận ra một chân lý: Trong cuộc sống, không có trở ngại nào là không thể vượt qua.
Tuy nhiên, năm cấp ba Thôi Vạn Chí đã gặp phải một rào cản, khiến tinh thần kiên cường gần như sụp đổ. Với thành tích xuất sắc anh đỗ vào một trường trọng điểm của quận.
Ngày nhập học, hiệu trưởng nhìn thấy Thôi Vạn Chí liền buông lời kỳ thị: "Tại sao lại có người khuyết tật trong trường chúng ta!"
Sau đó, hai cha con anh bị đuổi ra khỏi trường, dù cha anh có xin thế nào, hiệu trưởng chỉ thốt lên một câu: "Dù em có thi đậu đại học, cũng chẳng có trường nào tuyển em, đừng ở đây trì hoãn chỉ tiêu của tôi!"
Thôi Vạn Chí chỉ đành nhập học tại một trường trong thị trấn. Anh đã học tập chăm chỉ trong ba năm, thành công đỗ đại học và bắt đầu một hành trình mới.
Khoảng thời gian khó khăn nhất bạn càng phải dựa vào chính mình
Vì giảm bớt gánh nặng cho gia đình, năm hai đại học Thôi Vạn Chí bắt đầu làm thêm kiếm phí sinh hoạt, anh bày sạp bán hàng, làm gia sư, bán dưa hấu v.v
Bốn năm đại học nhanh chóng trôi qua, không ngờ vừa tốt nghiệp, anh lại bị hiện thực tàn khốc dội một gáo nước lạnh. Trong hai tháng anh đã nộp hơn 200 hồ sơ xin việc, kết quả nhận lại đều là lời từ chối và sự kỳ thị.
Khi đó, anh chợt hiểu ra rằng dù có cố gắng đến mấy cũng không thay đổi được sự kỳ thị trong mắt người khác. Sau khi bình tĩnh lại, anh ngẫm ra một chân lý: Nếu không thể thay đổi hiện thực, chỉ có thể thay đổi chính mình.
Anh quyết định thay đổi bằng cách nuôi sống bản thân trước. Anh bán sách cũ và thiệp, ngày nào cũng bận rộn, thường xuyên phải nhịn đói, thậm chí một bữa cơm anh chia ra ăn hai ngày.
Dành dụm được một số tiền kha khá, anh thành lập một hiệu sách nhỏ. Sau đó, anh cũng lần lượt mở các cửa hàng băng đĩa, siêu thị, quán net. Nhưng việc kinh doanh luôn gặp phải một vài vấn đề, tiền tiết kiệm của anh cứ thế bị tiêu sạch.
Một loạt thăng trầm đã rèn luyện tính cách và vực dậy tinh thần chiến đấu của Thôi Vạn Chí. Anh vay tiền ở khắp nơi, để mở một công ty thương mại điện tử, tập trung xây dựng thương hiệu quần áo nữ.
Vì sự cống hiến hết mình cho các sản phẩm, việc kinh doanh của anh ngày càng phát triển ổn định, doanh thu vượt qua con số 10 triệu NDT, anh lại một lần nữa vượt qua giai đoạn sa sút và tiến gần đến thành công.
Thời khắc huy hoàng trong cuộc đời phải do chính bạn tạo ra
Tuy nhiên, cuộc sống vốn tàn khốc, một khó khăn nữa lại ập đến. Dưới sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, trong giới cạnh tranh kịch liệt, doanh thu của cửa hàng trực tuyến tụt giảm nghiêm trọng, khiến anh mắc nợ 4 triệu NDT.
Vì trốn nợ, anh không dám về nhà hay mở điện thoại. Cuộc đời anh bỗng chốc rơi từ đỉnh cao xuống vực đáy. Nhưng anh không bao giờ chịu thua trước số phận. Một lần tình cờ anh nghe được bài diễn thuyết của một bậc tiền bối trong giới kinh doanh, anh quyết định làm thứ mà người khác chưa phát hiện tiềm năng của nó.
Năm 2012, anh sáng lập nên thương hiệu sườn xám "Quezhilian". Nhưng giá sườn xám rất đắt, tạm thời không thể bán ở chợ. Để phát triển thương hiệu, anh và đồng đội đã vắt óc suy nghĩ và lên kế hoạch cho hoạt động quảng cáo nhằm thu hút khách hàng.
Chỉ trong một livestream, 4.000 chiếc sườn xám đã được bán hết, thương hiệu sườn xám của anh đã trở nên nổi tiếng sau một đêm.
Ngoài chất lượng tuyệt vời, anh còn chú trọng marketing. Chính vì thái độ không ngừng cải thiện nên sườn xám ngày càng bán chạy hơn. Trong thời kỳ đỉnh cao, doanh thu hàng năm lên tới 50 triệu, do đó Thôi Vạn Chí được gọi là "Quý ông sườn xám".
Sau khi nổi tiếng, anh nhiều lần tham gia các chương trình diễn thuyết trên truyền hình và từng được mời diễn thuyết tại trường Đại học Harvard. Câu chuyện vượt lên chính mình của anh ngày càng có nhiều người biết đến và đã truyền nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ.
Khi chạm đến đỉnh cao của cuộc đời, anh nhìn lại tất cả những điều trong quá khứ mà chẳng một lời phàn nàn nào:
"Cha tôi gieo mầm sống cho tôi, tôi gieo ước mơ cho mình. Vì Thượng đế yêu tôi nên đã cắn tôi một miếng, tôi mang theo vết thương rỉ máu, bước đi suốt quãng đường không ngoảnh lại."
Sau đại dịch Covid, các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề. Thôi Vạn Chí đã đích thân livestream bán sườn xám, mở ra con đường cho thương hiệu của riêng mình.
Thôi Vạn Chí sinh ra với khuyết tật, nhưng anh có can đảm để đối mặt với đau khổ. Dù bị cuộc đời vùi dập nhưng anh vẫn mang trong mình nghị lực không cúi đầu trước số phận, như đúng cái tên mà cha mẹ đã gửi gắm "Vạn Chí".