Tài chính

Phó Thống đốc: Phải chấp nhận tỷ giá biến động, chưa thể giải quyết ngay tình trạng "thừa tiền"

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên. (Ảnh: Vụ Truyền thông NHNN).

Phải chấp nhận tỷ giá sẽ biến động

Chia sẻ tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp khu vực Tây Nguyên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã có những đánh giá về biến động tỷ giá trong thời gian qua.

“Một số ý kiến cho rằng tỷ giá nhảy múa, nhưng thị trường phải chấp nhận cho lên xuống, nếu để cứng đơ thì không còn là kinh tế thị trường. Không thể có sự bất biến trong tỷ giá”, Phó Thống đốc nói.

Ông Tú cũngkhẳng định rằng vai trò của NHNN là kiểm soát lạm phát và giữ ổn định tỷ giá và cho biết trong thời gian tới NHNN sẽ kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, tỷ giá có thể lên xuống nhưng vẫn nằm trong biên độ cho phép.

NHNN đã nâng tỷ giá trung tâm lên mức cao nhất trong lịch sử vào phiên 20/10. (Ảnh: WiChart).

Kể từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá khoảng 3% so với đồng USD. Tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 2,1%, lên 24.110 đồng vào phiên 20/10.

Nhiều chuyên gia phân tích dự báo mức mất giá của VND trong năm nay khoảng từ 3 - 3,5% khi đồng USD tiếp tục duy trì sức mạnh. 

Trong vòng một tháng qua, NHNN đã can thiệp bằng cách phát hành tín phiếu để hút thanh khoản dư thừa trên thị trường, từ đó thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất của VND và USD, giúp giảm áp lực lên tỷ giá.

Tính đến phiên 19/10, khoảng cách giữa lãi suất liên ngân hàng qua đêm và lãi suất hiệu lực quỹ liên bang đang là 4,5 điểm %, cải thiện so với mức hơn 5 điểm % khi NHNN chưa hút tiền qua kênh tín phiếu. 

Không thể giải quyết ngay tình trạng ngân hàng thừa vốn

Phó Thống đốc nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam chưa lớn nhưng có độ mở cao, dễ chịu tác động từ bên ngoài. Nhiều doanh nghiệp hiện đang phải sản xuất cầm chừng, không bán được hàng dẫn đến tồn kho gia tăng. 

“Chưa có năm nào sự vật lộn với những khó khăn đó của chúng ta lại vất vả như những tháng đầu năm nay. Trước hết cần tạo sự ổn định để đảm bảo đời sống của người dân, sau đó là ổn định sản xuất để đảm bảo tăng trưởng, tạo công ăn việc làm”, Phó Thống đốc nói.

Ông Tú cũng khẳng định doanh nghiệp và ngân hàng có mối quan hệ cộng sinh, khi mà không có doanh nghiệp thì ngân hàng cũng không thể sống tốt, do đó nên bằng mọi cách phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng thực trạng doanh nghiệp nói thiếu vốn, ngân hàng nói thừa vốn sẽ không thể giải quyết ngay lập tức. Ông cho rằng nếu ngân hàng cho vay ồ ạt sẽ dẫn đến đổ vỡ. Những ngân hàng đã sụp đổ trong quá khứ như OceanBank, GPBank, CBBank hay gần đây là SCB đều do không đảm bảo hoạt động an toàn. 

Tăng trưởng tín dụng Tây Nguyên chậm hơn cả nước

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc khẳng định khu vực Tây Nguyên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, cũng là vùng có nhiều tiềm năng lợi thế về phát triển nông, lâm nghiệp xuất khẩu.

Tính đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đạt 508.102 tỷ đồng, tăng 6,0% so với cuối năm ngoái, chiếm khoảng 4,01% tổng dư nợ nền kinh tế. Con số tăng trưởng tín dụng của khu vực này còn thấp hơn cả mức tăng trưởng chung. Huy động vốn của các TCTD tại khu vực Tây Nguyên đạt 269.417 tỷ đồng, tăng gần 8%.

Trong đó, tín dụngcho các lĩnh vực ưu tiên đạt mức tăng 3,15% so với cuối năm 2022 chiếm 9,65% so với dư nợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn toàn quốc;

Dư nợ cho vay các mặt hàng chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu đều tăng khá (với dư nợ là 76.255 tỷ đồng, chiếm 15% tổng dư nợ của vùng Tây Nguyên, tăng 7,06% so với cuối năm 2022, chiếm khoảng 82% dư nợ cho vay cà phê toàn quốc;

Dư nợ cho vay cao su đạt 7.168 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ của vùng Tây Nguyên, chiếm 15,7% dư nợ cho vay cao su toàn quốc…); dư nợ cho vay ngành công nghiệp, xây dựng đạt mức tăng 11,57%.
 

 

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp tập trung phản ánh những thách thức như quy hoạch sản xuất, tháo gỡ khó khăn về thị trường, chương trình bảo hiểm nông nghiệp, tài sản trên đất nông nghiệp (nhà kính, nhà lưới,...), nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp.

Doanh nghiệp cũng có những đề xuất về ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho khu vực, tháo gỡ khó khăn về tài sản bảo đảm, thủ tục, điều kiện vay vốn và mong muốn có thêm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, chính sách tín dụng ưu tiên, ưu đãi của Chính phủ ...


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 (Vietnam Investment Forum 2024) sẽ được tổ chức vào ngày 9/11 tại TP HCM

Diễn đàn năm nay với chủ đề Theo Dấu Dòng Tiền quy tụ hơn 350 khách tham dự bao gồm giới chuyên gia cao cấp, CIO, CEO, CFO đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, công ty công nghệ cung cấp dữ liệu, cố vấn tài chính từ các ngân hàng, công ty chứng khoán, đơn vị tư vấn kiểm toán và những nhà đầu tư cá nhân quan tâm đến thị trường chứng khoán, bất động sản Việt Nam.

Diễn đàn Đầu tư Việt Nam (Vietnam Investment Forum) là sự kiện thường niên do VietnamBiz phối hợp cùng CLB Giám đốc tài chính (CFO Vietnam) và các đối tác tổ chức.

Diễn đàn hứa hẹn sẽ thiết lập không gian để các thành viên trên thị trường có cơ hội kết nối, chia sẻ về các xu hướng mới, các cơ hội đầu tư, những thông tin, góc nhìn có giá trị cao, mở ra nhiều ý tưởng phù hợp cho giai đoạn mới.

Thông tin chi tiết về Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 tại đây .

Cùng chuyên mục

Đọc thêm