Chênh lệch lãi suất tạo áp lực lên tỷ giá
Phát biểu tại “Tọa đàm báo cáo kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát Quý IV/2023 và kiến nghị giải pháp kiểm soát lạm phát trong thời gian tới”, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết sự chênh lệch lớn giữa lãi suất ngắn hạn USD - VND đang tạo áp lực lên tỷ giá.
Theo ông Hà, bối cảnh quốc tế đang dần bước vào tháng cuối cùng của một năm đầy thách thức, biến động. Di chứng của đại dịch COVID, căng thẳng địa chính trị ở Châu Âu, Trung Đông tiếp tục diễn biến phức tạp khiến cho quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại.
Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới do IMF phát hành đầu tháng 10 dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2023 chỉ ở mức 3% (giảm 0,5 điểm % so với 2022), còn năm 2024 ở mức 2,9%. Đây là mức tăng trưởng thấp so với tốc độ tăng trưởng trung bình GDP toàn cầu giai đoạn 2000 - 2019 là 3,8%.
Phó Thống đốc cho rằng Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và có “độ mở” lớn. Tương tự như thế giới, kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với những thử thách chưa từng có tiền lệ, từ những hệ lụy của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đến tác động của quá trình thặt chặt tiền tệ liên tục và quyết liệt của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Theo ông, có lẽ chưa bao giờ lãi suất ngắn hạn của USD lại cao hơn lãi suất VND như trong năm 2023, tạo sức ép lớn lên tỷ giá giữa tiền đồng và USD. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phải giảm mạnh lãi suất VND nhằm hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, vừa phải điều hành tỷ giá USD/VND linh hoạt, hài hòa trong tầm kiểm soát, vừa phải đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu lạm phát.
GDP có thể thấp hơn kế hoạch, lạm phát được kiểm soát
Phó Thống đốc cho biết theo nhiều dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay có thể thấp hơn kế hoạch. Tuy nhiên, có thể kỳ vọng rằng lạm phát năm 2023 sẽ nằm dưới mục tiêu 4,5% do Quốc hội đề ra.
Ngoài ra, năm 2023 cũng là năm đánh dấu một thập kỷ Việt Nam kiểm soát lạm phát thành công. Kiểm soát lạm phát mục tiêu là một tiến trình lâu dài, ông khẳng định.
Ông Hà nhấn mạnh, một thập kỷ kiểm soát lạm phát thành công là dấu ấn đáng ghi nhận nhưng cũng là gánh nặng trên vai các cơ quan tham mưu hoạch định chính sách điều hành kinh tế vĩ mô cho Chính phủ trong thời gian tới. Nhất là trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn tiếp tục “neo” khá xa trên mức mục tiêu và quá trình tăng lãi suất có thể chưa dừng lại.
Phó Thống đốc thông tin, để góp phần kiểm soát lạm phát thành công, NHNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả trên cơ sở tổng hợp, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình kịp thời diễn biến kinh tế - tài chính trong nước và quốc tế.
Theo kết quả điều tra kỳ vọng lạm phát đối với các chuyên gia kinh tế trong quý IV được NHNN công bố mới đây, bình quân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2023 so với năm trước được dự báo sẽ tăng 3,39%, năm 2024 là 3,71% còn 2024 là 3,69%.
Trong khi đó, điều tra kỳ vọng lạm phát của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong tháng 11 cho thấy CPI tháng 11 được dự báo sẽ tăng 0,4% so với tháng liền trước. Trong khi đó, CPI bình quân năm 2023 được dự báo sẽ tăng 3,5%, còn năm 2024 là 3,7%.
Kết quả điều tra trên phản ánh kỳ vọng của các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, cũng như chuyên gia kinh tế, không phản ánh quan điểm của NHNN.