Trong bối cảnh các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi và dày đặc, việc trang bị một công cụ bảo vệ cho máy tính là điều cần thiết. Tuy nhiên, hai thuật ngữ "antivirus" (phần mềm chống-diệt virus) và "anti-malware" (phần mềm chống mã độc) thường được sử dụng lẫn lộn, gây ra nhiều nhầm lẫn. Vậy chúng khác nhau ra sao và đâu là lựa chọn phù hợp cho bạn?

Bạn đã thực sự hiểu về chương trình antivirus và anti-malware?
ẢNH: PHONG ĐỖ
Sự khác biệt cốt lõi giữa mã độc và virus
Để hiểu về hai loại phần mềm này, trước hết bạn cần phân biệt giữa malware và virus, cụ thể như sau:
- Malware (mã độc): Là thuật ngữ bao hàm, chỉ tất cả các loại phần mềm độc hại, trong đó gồm virus, mã độc tống tiền (ransomware), phần mềm gián điệp (spyware), trojan...
- Virus: Chỉ là một loại mã độc, có khả năng tự nhân bản để lây lan và phá hoại.
Như vậy, mọi virus đều là mã độc, nhưng không phải mã độc nào cũng là virus.
Antivirus: "Người bảo vệ" đa năng
Theo truyền thống, chương trình antivirus sẽ tập trung vào việc phát hiện virus đã biết thông qua "chữ ký" (các mẫu nhận dạng). Tuy nhiên, các phần mềm antivirus hiện đại ngày nay đã có những tiến hóa vượt bậc khi dựa trên cơ sở dữ liệu học máy hay đám mây.

Chương trình antivirus là giải pháp đa năng về bảo mật
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH CSO ONLINE
Điểm mạnh của chương trình antivirus là cung cấp một lớp bảo vệ bao quát, thường được tích hợp thành một bộ công cụ bảo mật (security suite) với nhiều tính năng cộng thêm như tường lửa (firewall), VPN, trình quản lý mật khẩu và quan trọng nhất là khả năng chống lừa đảo (phishing) và lọc thư rác (spam).
Đối tượng phù hợp với dạng chương trình này thường là những người dùng phổ thông, cần một giải pháp "tất cả trong một" để bảo vệ trước các mối đe dọa thường gặp hằng ngày.
Anti-malware: "Chuyên gia săn lùng" các mối đe dọa mới
Trong khi đó, anti-malware thường có cách tiếp cận khác, tập trung vào việc phát hiện và loại bỏ các loại mã độc tinh vi và mới nổi.
Ưu điểm của anti-malware là sử dụng các kỹ thuật tiên tiến như phân tích hành vi (phát hiện hành động đáng ngờ) và dùng sandbox để cô lập file lạ để phân tích an toàn. Nhờ đó, nó rất hiệu quả trong việc chống lại các mối đe dọa zero-day (chưa từng được biết đến), rootkit ẩn sâu trong hệ thống, các loại mã độc mà antivirus truyền thống có thể bỏ sót.

Malware sẽ gồm nhiều loại mã độc khác nhau, trong đó có virus
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH NINJA ONE
Những đối tượng phù hợp với anti-malware là người dùng phải đối mặt với những rủi ro cao (game thủ, người hay tải file P2P, nhân viên làm việc từ xa) hoặc được dùng như một lớp phòng thủ thứ hai, bổ sung cho antivirus.
Đáp án bất ngờ cho sự lựa chọn tốt nhất?
Bạn không nhất thiết phải chọn một trong hai. Thực tế, ranh giới giữa các phần mềm antivirus và anti-malware ngày càng bị xóa nhòa. Hầu hết các bộ phần mềm antivirus hàng đầu hiện nay như Bitdefender, Norton 360, Avast hay McAfee đều đã tích hợp sâu các công nghệ chống mã độc tinh vi vào sản phẩm của mình.
Do đó, đối với hầu hết mọi người, lựa chọn tốt nhất là một bộ phần mềm antivirus uy tín có tích hợp sẵn các khả năng chống mã độc mạnh mẽ.
Cuối cùng, hãy nhớ rằng không có phần mềm nào là tấm khiên bất khả xâm phạm. Lớp phòng thủ quan trọng nhất chính là sự cẩn trọng và ý thức của người dùng khi hoạt động trong thế giới số.