Đại diện Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Phân bón Cà Mau) cho biết 9 tháng đầu năm nay, thị trường phân bón có những biến động thất thường. Nguồn nguyên vật liệu, nhiên liệu khan hiếm đẩy giá đầu vào tăng cao, trong khi giá bán lại có xu hướng giảm. Cụ thể, từ quý IV/2022, giá phân bón các loại hạ nhiệt kéo dài (trong đó có urê) khiến các doanh nghiệp đứng trước nhiều nguy cơ.
Tại Việt Nam, nguồn cung trong nước khá dồi dào, bốn nhà máy sản xuất phân bón lớn cho tổng sản lượng 2,5 triệu tấn một năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ dao động 1,6-1,8 triệu tấn một năm. Đối với phân bón chứa lân và tổng hợp NPK, cung cũng vượt xa cầu, dẫn đến khâu kinh doanh gặp khó khăn, lượng hàng tồn kho cao. Giá bán đầu ra gần 9 tháng đầu năm duy trì mức thấp khiến Phân bón Cà Mau phải đi tìm các cơ hội mới, khai thác tối đa thị trường quốc tế. Mục tiêu đảm bảo doanh số năm 2023 không bị tuột dốc theo giá phân bón (đã giảm 40% so với 2022).
Đứng trước nhiều thách thức, tập thể Phân bón Cà Mau, đặc biệt nhân sự mảng kinh doanh, quyết tâm vận dụng mọi cơ hội và tiềm lực để có thể vượt khó, cán đích các chỉ tiêu quan trọng. Nhà máy sản xuất của đơn vị vận hành an toàn và ổn định ở mức 115-116% công suất thiết kế, cho ra sản lượng urê từ 860.000 tấn, phấn đấu urê quy đổi 950.000 tấn, NPK Cà Mau công nghệ polyphosphate từ 200.000 tấn mỗi năm.
Công ty luôn luôn ưu tiên đáp ứng các nhu cầu của thị trường trong nước, hỗ trợ nền nông nghiệp nước nhà. Tuy nhiên, nhu cầu phân đạm tại thị trường nội địa bão hòa nên doanh nghiệp đã nhanh chóng có những bước đi mới tìm kiếm doanh thu từ xuất khẩu và tự doanh.
Thực tế, hình thức tự doanh (PPT) gặp nhiều khó khăn trong điều kiện thị trường bất định vì không có một quy luật nhất định, mọi kết quả đều phải nhờ vào khả năng quan sát và nhận định thị trường. Vì vậy, vai trò của người lãnh đạo trong hình thức kinh doanh này rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh.
Lãnh đạo của Phân bón Cà Mau đoán định nhu cầu phân bón thế giới sẽ tăng trở lại khi các quốc gia lớn tháo gỡ khó khăn, giá phân đạm phục hồi; đồng thời vụ Đông Xuân sẽ kéo tiêu thụ trở lại. Để tối đa nguyên liệu NPK cao cấp phục vụ nhà nông, đơn vị quyết định nhập 206.000 tấn phân bón các loại trong nước không tự sản xuất được. Tính đến nay, 25 tàu sẵn sàng hàng hóa (có chiếc trị giá đến 2 triệu USD) và mỗi tàu hàng đều mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Phân bón Cà Mau tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu ở các tháng cuối năm khi tình hình giá phân bón thế giới đang tăng do nhu cầu tăng. Lãnh đạo của công ty kỳ vọng doanh thu tốt nhờ sản lượng hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong sản lượng sản xuất doanh của nghiệp.
Theo đại diện của công ty, từ đầu tháng 8, các nhà sản xuất urê cũng lần lượt điều chỉnh giá lệch tăng 650-800 đồng một kg. Trong bối cảnh nguồn cung thị trường ảnh hưởng bởi lệnh hạn chế xuất khẩu từ Trung Quốc cùng giá nông sản tăng kích thích nhà nông mở rộng canh tác, vụ đông xuân mới cũng đẩy nhu cầu tiêu thụ phân bón tăng mạnh tạo cơ hội cho cả mặt hàng sản xuất và tự doanh của Phân bón Cà Mau.
Nhờ vào những tác động từ thị trường cộng với nội lực vững vàng, doanh thu công ty từ hơn 6.000 tỷ lên hơn 16.000 tỷ đồng chỉ trong vài năm. Hai nhà máy Đạm Cà Mau và NPK Cà Mau đã hoàn thành bảo dưỡng sớm vượt kế hoạch, giúp công ty tiết kiệm chi phí và phục vụ tốt nhu cầu phân bón vụ đông xuân. Chỉ riêng trong tháng 8, công ty sản xuất đạt sản lượng 50.160 tấn; tiêu thụ đạt 131.950 tấn, bao gồm 57.910 tấn nội địa và 74.040 tấn xuất khẩu.