Ra đời vào tháng 12/2015, Tipsy Art là workshop vẽ tranh giải trí đầu tiên tại Việt Nam, hoạt động theo mô hình hướng dẫn những người (không chuyên) tham gia vẽ một bức tranh hoàn chỉnh theo mẫu. Đây là một trong 22 startup nhận được cam kết đầu tư tại chương trình Shark Tank Việt Nam mùa đầu tiên năm 2017.
“Ở Việt Nam, mọi người hay có tâm lý sợ sai. Vì sợ sai nên không làm. Nhưng chúng tôi muốn mọi người hãy thử làm trước khi kết luận có làm được hay không”, Bùi Thu Ngân chia sẻ về kỳ vọng khi thành lập Tipsy Art cùng người bạn Nguyễn Thu Trang.
“Rất trình độ và rất chu đáo”, Shark Trần Anh Vương nhận xét sau màn gọi vốn rành mạch, đầy thuyết phục của Ngân và Trang.
Năm 2015, trong một quán trà đá ven đường giữa chợ đêm ở Hà Nội, Ngân và Trang gặp nhau. Đây là buổi hẹn đầu tiên của họ tại Việt Nam, sau khi quen biết vào khoảng thời gian cùng nhau học ở Mỹ. Ngân học kinh tế, còn Trang theo đuổi chuyên ngành Toán học và Triết học.
Dù trước đó không thực sự chơi cùng, hai người đã vui vẻ hàn huyên nhiều câu chuyện giữa bầu không khí thư giãn, trong tiếng nhạc từ một band acoustic ngay trước mặt.
“Tại sao ở Việt Nam không có nhiều hơn những không gian khơi gợi cảm hứng như thế này, nơi người ta sẵn sàng chia sẻ, chuyện trò với nhau, tạo ra những ý tưởng mới cùng nhau?”, Ngân và Trang tự hỏi.
“Hay mình thử làm việc gì đó đi”, một ý định xuất hiện. 5 tháng sau, Tipsy Art ra đời.
Mô hình hoạt động của Tipsy Art là chỉ dẫn từng đường đi nước bước sao cho tất cả mọi người, dù chưa từng cầm cọ, cũng có thể hoàn thành một bức tranh và được tận hưởng trải nghiệm vừa vẽ, vừa nghe nhạc, thưởng thức đồ uống và thư giãn. Hiện nay, dịch vụ này đã được mở rộng cho cả những người đã biết vẽ đến studio của công ty, sử dụng họa cụ có sẵn để tự sáng tạo bức tranh của mình mà không cần hướng dẫn.
Thời gian đầu, Tipsy Art tập trung vào nhóm khách hàng 25-40 tuổi, nhưng tập khách hàng đã mở rộng ra theo thời gian. Giờ đây, workshop chào đón từ học sinh cấp 2, những người lớn tuổi, cho đến các gia đình tới vẽ tranh cùng nhau. Tuy nhiên, Ngân cho biết tính chất khách hàng vẫn giống nhau ở chỗ, họ không có nhiều cơ hội tiếp cận với nghệ thuật, chưa vẽ tranh bao giờ.
Theo nữ sáng lập sinh năm 1991, mỗi khách hàng sẽ có một trải nghiệm khác nhau tùy thuộc vào tính cách. Còn về phía Tipsy Art, Ngân mong muốn dựa vào workshop này để khách hàng có suy nghĩ rằng “phải trải nghiệm trước khi nói là không làm được một điều gì đấy”.
“Mọi người đến đây với tâm thế là mình không biết vẽ. Nhưng sau khi ra khỏi workshop, họ sẽ tự rút ra kết luận thay vì giữ mãi một câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu. Chúng tôi muốn mọi người thực sự trải nghiệm trước khi rút ra bất cứ kết luận gì”, Ngân chia sẻ.
Ngân nhớ lại, những ngày đầu mở workshop ở Tipsy Art, có một khách hàng nữ nhút nhát đã định bỏ tranh vì không dám vẽ, nhưng cuối cùng vẫn hoàn thành sau khi được khuyến khích. Kể từ đó, cô gái này trở thành khách hàng thân thiết thường xuyên quay lại Tipsy Art.
“Từng có một khách đến muộn nhưng vẫn vẽ được tranh. Hóa ra là nhận được sự hướng dẫn từ người ngồi cạnh, chính là vị khách nữ từng run rẩy trong lần đầu cầm cọ, thậm chí không dám vẽ và muốn bỏ tranh của mình”, Ngân kể lại.
Ngân tự nhận xét bản thân không có gì đặc biệt. Trước khi thành lập Tipsy Art, cô chỉ có một thời gian ngắn làm cho NGO (tổ chức phi chính phủ) sau khoảng thời gian du học ở Mỹ.
“Tôi vốn không có ý định khởi nghiệp mở công ty riêng của mình. Tất cả tự đến, tôi chỉ ứng biến với nó thôi. Cuộc hẹn với Trang cũng chỉ là một buổi đi chơi bình thường. Chúng tôi không nghĩ rằng khi gặp nhau sẽ nảy ra điều gì, mà đơn thuần muốn gặp gỡ, trò chuyện”, Ngân kể lại.
Vào thời điểm Tipsy Art ra đời, hoạt động vẽ tranh thư giãn dường như còn khá mới mẻ ở Việt Nam, chưa có gì bảo đảm cho tương lai của mô hình này. Tuy nhiên, Ngân cho rằng khởi nghiệp ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều tiềm ẩn rủi ro, vấn đề quan trọng là hạn chế những rủi ro đó ra sao. Đối với Tipsy Art, rủi ro được tối thiểu hóa bằng cách bỏ ít vốn đầu tư vào hạ tầng, trang thiết bị. Ngân và Trang mỗi người góp 10 triệu đồng. Họ bắt đầu với số vốn vỏn vẹn 20 triệu.
Chỉ sau hai tháng hoạt động, các sáng lập viên của Tipsy Art đã thu hồi vốn và duy trì được doanh thu ổn định. Ban đầu, chi phí mỗi buổi học 3 tiếng là 400.000 đồng đi kèm đồ uống. Từ ngày tháng 2/2022, mức giá được điều chỉnh lên 440.000 đồng. Trải nghiệm dành cho khách hàng cũng ngày càng mở rộng như vẽ tranh lụa, vẽ sáp dầu, hay vẽ bằng bay.
“Mọi người thường nghĩ làm khởi nghiệp vô cùng khó khăn, đòi hỏi nhiều quyết tâm và phải vượt lên chính mình. Nhưng không phải con đường của ai cũng như thế. Đương nhiên có khó khăn, chẳng startup nào không tiềm ẩn rủi ro và làm khó người khởi nghiệp. Mình tin rằng không có vấn đề nào là không thể giải quyết, ít nhất là tới thời điểm hiện tại”, Ngân nêu quan điểm.
Năm 2019, Trang rời Việt Nam sang Canada theo đuổi con đường riêng, không còn trực tiếp cùng Ngân điều hành Tipsy Art. Mặc dù vậy, Ngân cho biết cô không cảm thấy quá khó khăn.
“Nếu mọi người hỏi điểm mạnh của tôi là gì, thì có lẽ là may mắn. Tôi không đơn độc vì có những người hỗ trợ đắc lực ở cả Hà Nội và TP HCM. Về mặt chiến lược hay ý tưởng, tôi vẫn có thể trao đổi với Trang nếu muốn. Điều quan trọng là phải duy trì được hoạt động liên tục, từ ngày này qua ngày khác. Chiến lược hay ý tưởng có thể phát triển dần, không cần quá vội vàng”, Ngân nói.
“Mọi chuyện rất thuận lợi và may mắn. Nhưng thuận lợi đó không phải tự nhiên xuất hiện mà dựa vào nhiều yếu tố, như từ những người xung quanh. Không có điều gì là một mình tôi tạo nên hết”, Ngân nhấn mạnh.
Ngay cả khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tác động sâu sắc tới mọi khía cạnh kinh tế và xã hội, Tipsy Art vẫn trụ vững qua sóng gió.
Theo Ngân, may mắn là Tipsy Art chủ yếu phục vụ khách trong nước. Thời điểm dịch bệnh ập tới, Tipsy Art mới bắt đầu tiếp cận khách nước ngoài. Thêm vào đó, các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tổ chức team-buiding trong mùa dịch theo hình thức online, giúp Tipsy Art có thêm cơ hội phục vụ đối tượng khách hàng doanh nghiệp.
Cách đây 5 năm, hai nữ sáng lập trẻ tuổi của Tipsy Art mang theo triết lý “giá trị tinh thần lớn hơn giá trị vật chất” đến với Shark Tank. Ngân cho biết bản thân sự tồn tại bền vững của một startup về nghệ thuật suốt 7 năm qua, bao gồm hai năm Covid-19, đã là minh chứng cho điều mà họ theo đuổi.
“Tới bây giờ quan niệm của chúng tôi vẫn không thay đổi, vẫn coi trọng sự trải nghiệm và con người”, Ngân khẳng định.
Cô cũng tự tin rằng con người chính là điểm thu hút đặc biệt của Tipsy Art, trong bối cảnh các workshop vẽ tranh tương tự xuất hiện ngày càng nhiều. Tipsy Art không gọi những người hướng dẫn là thầy hay cô, bởi không có mục đích biến nơi đây thành trung tâm đào tạo họa sĩ, hay giúp thi vào trường mỹ thuật.
“Đây chỉ là nơi những người có chuyên môn về mỹ thuật hướng dẫn cho người biết ít hơn mình, như bạn bè chỉ cho nhau. Trong không gian gần gũi như vậy, mọi người có thể thoải mái trải nghiệm mà không cần lo sợ”, Ngân giải thích.
Ngoài ra, Ngân bày tỏ niềm tự hào về không gian sáng tạo nghệ thuật mà đội ngũ Tipsy Art tạo ra được tại quận 1, TP HCM. “Khi bước vào, bạn sẽ có cảm giác như đứng giữa một xưởng vẽ để thỏa sức sáng tạo, trải nghiệm, khơi gợi cảm hứng. Không gian này giúp tạo nên điểm khác biệt của chúng tôi”, cô nói.
Ngân cho biết cô không phải tuýp người nghĩ quá xa xôi về tương lai.
“Tôi không nghĩ đến tương lai 5 hay 10 năm sau sẽ ra sao, bởi không thể lường trước có biến cố gì tương tự Covid-19 xảy ra hay không. Tôi chỉ nghĩ trong ngắn hạn là bây giờ làm được cái gì tốt hơn thì làm cái đó.
Kể cả khi đã vận hành 7 năm, Tipsy Art vẫn chưa hoàn hảo, còn rất nhiều vấn đề cần cải thiện. Tôi quan tâm đến việc cải thiện những điểm đó để Tipsy Art tốt hơn mỗi ngày, hơn là nghĩ mình sẽ đạt được những gì trong 5-10 năm nữa.”, Ngân chia sẻ.