Thời sự

Những điều lắt léo, khó hiểu nhân viên tư vấn bảo hiểm ít tiết lộ cho khách

Thời gian qua, nhiều khách hàng phản ánh cảm thấy như "bị lừa" khi mua bảo hiểm nhân thọ vì phát hiện những lợi ích nhận được không như kỳ vọng. Lý giải nguyên nhân thực trạng này, giới luật sư phân tích, do hợp đồng bảo hiểm quá phức tạp, quá dài và quá rối, các điều khoản lại ràng buộc lẫn nhau. Hầu hết khách hàng thường không đủ kiên nhẫn để đọc hết hợp đồng nên sau khi trao đổi với nhân viên tư vấn những điều khoản chính như thời gian tham gia, giá trị hợp đồng, quyền lợi…thì thường nhanh chóng lật trang cuối ký và nhiều khi lâm cảnh "bút sa gà chết".

Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ còn phức tạp hơn cả hợp đồng kinh tế. Nhiều công ty bảo hiểm còn lấy mẫu hợp đồng quốc tế nên dùng những từ ngữ khó hiểu, chung chung khiến người mua cảm thấy rối não. Đó là chưa nói đến việc cài cắm những điều khoản ràng buộc để vô hiệu hóa quyền lợi của khách ngay trong cùng hợp đồng ", một vị luật sư nêu quan điểm với PV VTC News .

Nhiều người mua bảo hiểm nhân thọ cũng thừa nhận, khi ký hợp đồng, họ không thể đọc và hiểu hết nội dung hợp đồng, chủ yếu chỉ nghe và tin vào lời tư vấn của nhân viên bảo hiểm hay nhân viên ngân hàng. Bởi các hợp đồng này thường dày đến cả trăm trang, sử dụng nhiều từ chuyên môn khó hiểu để thể hiện những điều khoản lắt léo. Chưa kể, khách hàng chỉ được cung cấp hợp đồng sau khi đã ký mua nên hầu như không có thời gian nghiên cứu trước về toàn bộ chi tiết được nêu trong đó.

"N gười mua bảo hiểm hay mắc lỗi này vì thường mua qua người quen, qua các mối quan hệ. Trong khi đó, nhiều nhân viên bảo hiểm chỉ đưa một số trang cho người mua đọc để nắm những thông tin cơ bản, trong số hàng trăm trang đó ", TS.Luật sư Lê Văn Thiệp, Trưởng văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nói.

Những điều lắt léo, khó hiểu nhân viên tư vấn bảo hiểm ít tiết lộ cho khách - Ảnh 1.

Nhiều hợp đồng bảo hiểm gây "rối não" người mua. (Ảnh minh họa)

Cũng theo ông Thiệp, cùng với đó là các tư vấn viên thường sử dụng những từ ngữ chuyên môn khiến người nghe khó hiểu hoặc chỉ hiểu mù mờ, nhất là về quyền lợi và những sản phẩm bảo hiểm phụ đi kèm. Vì thế, không ít người bị nhầm lẫn, thất vọng về số tiền thật sự được hoàn lại theo thời gian đóng bảo hiểm. Người tư vấn trước sau hầu như chỉ lặp đi lặp lại vấn đề rủi ro trong cuộc sống mà không nói đến quyền lợi cụ thể khi được thanh toán cũng như số tiền được chi trả sau bảo hiểm.

"Nếu người mua bảo hiểm được nghe cụ thể, hiểu rõ chi tiết số tiền hoàn lại sau 10 năm hay 15 năm thì chắc chắn họ sẽ có quyết định sáng suốt, đúng đắn, không còn khiếu nại hay tranh cãi. Bởi tâm lý của người mua bảo hiểm là ngoài vấn đề được bảo hiểm ra, họ vẫn muốn sau thời gian đóng theo quy định sẽ nhận lại đủ tiền gốc và lãi thì mới xuống tiền mua” , luật sư Thiệp phân tích.

Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội), cũng nhận xét, trên thực tế hợp đồng bảo hiểm thường dài và rất nhiều điều khoản, nếu không phải người chuyên nghiệp thì rất khó để nắm bắt rành mạch các vấn đề, các điều khoản loại trừ.

“Thêm vào đó, nhiều tư vấn viên lại hay nói quá lên hoặc tư vấn không đầy đủ về quyền lợi, sản phẩm với mục đích bán được bảo hiểm. Điều này dẫn đến việc khách hiểu sai và cảm thấy bức xúc khi không được chi trả”, luật sư Hòe nói.

Cũng theo ông Hòe, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có độ phức tạp cao, có thể hiểu được 70% nội dung đã là nhiều. Chỉ cần một từ "lắt léo" trong hợp đồng cũng có thể dẫn đến tranh chấp. Trong khi họ thường không đọc, không hiểu hết các điều khoản mà chỉ nghe tư vấn và ký.

"Người mua yếu thế do không nắm thông tin, chuyên môn nên dù sao lỗi cũng ít hơn. Còn các doanh nghiệp là những đơn vị chuyên môn, khi khách ký vào hợp đồng, đặc biệt ký những hợp đồng có giá trị lớn thì cũng cần kiểm tra lại lần nữa xem khách hàng đã được tư vấn đúng chưa. Thông thường khách hàng chỉ nhận được tư vấn một phần sự thật, những điều tốt đẹp thì chỉ ra, còn xấu thì nói ít hoặc không đề cập tới. Nếu như khách hàng nắm được tất cả thông tin mà vẫn quyết định mua thì mới ổn, còn không thì rất dễ xảy ra tranh chấp", luật sư Hòe nói.

Cũng nhấn mạnh về vai trò của doanh nghiệp bảo hiểm, một luật sư đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang đề xuất, doanh nghiệp không nên đẩy khó cho người mua. Hợp đồng bảo hiểm dù có chuyên ngành thế nào đi nữa thì cũng phải có những phần tóm tắt chính để người mua có thể đọc hiểu và quyết định. Một bên là công ty bảo hiểm chuyên nghiệp, một bên khách hàng là người không chuyên nghiệp thì hợp đồng nhất thiết phải thể hiện càng rõ ràng càng tốt.

Còn đối với khách hàng, vì lý do gì đó không đọc được ngay thì còn thời gian khoảng 20 ngày sau đó xem lại, hoặc nhờ luật sư xem lại những điều khoản trong hợp đồng. Thực tế những năm qua, có nhiều vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xảy ra nên khi tham gia, khách hàng cần có những kiến thức nhất định để tránh đưa mình vào cảm giác "bị lừa".


Cùng chuyên mục

Đọc thêm