Phiên 24/10, VN-Index chính thức mất mốc 1.000 điểm, đóng cửa ở 986,15 điểm, thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2020. Trong một tháng chỉ số liên tiếp mất các mốc 1.300 điểm, 1.200 điểm, 1.100 điểm và giờ là ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm.
Những chuyên gia, công ty chứng khoán, nhà đầu tư kì cựu có thể tiên đoán được diễn biến thị trường khi sự điều chỉnh là cần thiết. Song, cách thị trường đi xuống khiến nhiều người không tưởng.
Cảnh tượng khiến nhà đầu tư liên tưởng đến thị trường giai đoạn 2007 - 2008 khi chứng khoán đỏ lửa và cổ phiếu giảm sàn hàng loạt. Không có một thông tin, cơ sở nào để lý giải vì sao thị trường lại giảm sâu như vậy. VN-Index vận động theo xu hướng riêng khác với nhiều chỉ số chứng khoán trên thế giới, nằm ngoài giới hạn của những chỉ báo kỹ thuật.
Khó có thể giải thích vì sao thị trường lao dốc. Những tin đồn bị bác bỏ, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp phân hóa rõ nét hai mảng sáng tối, không ít đơn vị báo lãi nghìn tỷ khi nhiều ngành nghề dấu hiệu đi xuống, thậm chí kinh tế vĩ mô có phần tích cực.
Tới đây, câu hỏi phải chăng tâm lý bi quan của nhà đầu tư chính là tác nhân chính đợt giảm này chứ không phải một lý do nào khác? Liệu đám đông đang phản ứng thái quá?
So với 1 năm trở về trước, tâm lý của nhà đầu tư đảo ngược hoàn toàn. Trái với sự hưng phấn của tháng 10 năm ngoái khi nền kinh tế dần mở cửa trở lại, dịch bệnh dần được kiểm soát, hiện nhà đầu tư chứng khoán trong chuỗi ngày bĩ cực, giao dịch với tâm lý bị đè nặng.
Không ai nghĩ tháng 10/2021 là tháng cuối cùng chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất. Một năm về trước tâm lý nhà đầu tư lo ngại dịch bệnh bùng nổ, kinh tế trì trệ khi doanh nghiệp phải đóng cửa bị xóa nhòa bởi sắc xanh, sắc tím của thị trường, của phiếu.
Còn ở thời điểm hiện tại, nỗi lo lớn nhất là VN-Index không biết đâu là đáy. Mỗi quyết định trung bình giá đanh mục, bắt đáy cổ phiếu trong sóng hồi đều thất bại. Trên các diễn đàn, hội nhóm về chứng khoán không ít người bi quan đã tính đến câu chuyện cắt lỗ toàn bộ danh mục và mang số tiền còn lại đi gửi tiết kiệm.
Số khác trong tâm lý buông xuôi với kế hoạch “tắt app”, xóa bỏ ứng dụng giao dịch chứng khoán không quan tâm đến giá cổ phiếu cho đến khi danh mục hòa vốn, hay theo cách gọi của đám đông là “về bờ”.
Trên thực tế, thị trường chứng khoán từng chứng kiến nhóm cổ phiếu dầu khí (PVD, PVS, PVB) hay họ Sông Đà, các mã ngành khoáng sản được trả giá hàng trăm nghìn cho mỗi cổ phần trong cơn bão giá, đó vẫn là mức đỉnh lịch sử xa vời thị giá hiện tại. Nhiều mã có khả năng không thể trở lại mức đỉnh bởi doanh nghiệp đã rời sàn, công ty giải thể.
“Nhà đầu tư đang trong trạng thái hoang mang tiêu cực, nhiều người không còn quan tâm đến mức lỗ của tài khoản. Sau khi bán hạ tỷ trọng margin có nhà đầu tư rời khỏi nhóm tư vấn, trao đổi về cổ phiếu, thông tin doanh nghiệp. Nhiều khi nhân viên môi giới không thể liên lạc được để thông báo việc công ty chứng khoán bán giải chấp”, môi giới chia sẻ thực trạng một bộ phận nhà đầu tư chứng khoán.
Nhiều “chứng sĩ” cho biết sẽ cần nhiều thời gian để bình tâm trở lại bởi đà lao dốc của thị trường đã lấy đi toàn bộ số lãi tích cóp được trong hai năm qua và âm vào vốn gốc. Trong cơ bĩ cực, bộ phận khác chọn cách rời sàn. Quyết định này không quá khó hiểu khi những người ở lại cũng đang mất dần niềm tin, đa phần lệnh mua đều lỗ.
Không chỉ mất dần niềm tin, thị trường chứng khoán dần cạn tiền. Trong thời kỳ giá tăng, thanh khoản liên tiếp phá đỉnh, hiện giờ liên tiếp thủng đáy. Có những phiên giao dịch tổng giá trị mua bán cổ phiếu trên cả hai sàn và thị trường xuống dưới ngưỡng 10.000 tỷ đồng.
Thanh khoản xu hướng trở lại thời điểm trước dịch COVID-19, trước khi thị trường chứng khoán chứng kiến làn sóng bùng nổ nhà đầu tư F0 với dòng tiền lớn gia nhập. Những con số tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới không còn được chú ý bởi nó không phản ánh được dòng tiền của thị trường.
Mặt khác, tín hiệu “cạn tiền” thể hiện khi báo cáo tài quý III được các công ty chứng khoán cho thấy lượng tiền gửi của nhà đầu tư tiếp tục sụt giảm. Tổng tiền gửi khách hàng cuối quý III đạt khoảng 74.000 tỷ đồng, giảm 8.500 tỷ đồng so với cuối quý II. Đây không không phải một thông tin không bất ngờ khi dòng vốn từ các kênh tín dụng, trái phiếu bị siết lại. Luồng tiền khác trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trên đây là thực trạng của thị trường chứng khoán hiện tại và tâm lý của bộ phận nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu. Dường như nhiều người không bận tâm với lý do vì sao thị trường giảm, câu hỏi trực diện lúc này là khi nào thị trường sẽ ngừng rơi để niềm tin của giới đầu tư lấy lại. Khi đó dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường.