Kỹ năng sống

Người dân ở tỉnh, thành phố nào khỏe nhất cả nước?

Theo "Báo cáo chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020" của Tổng cục Thống kê, tuổi thọ trung bình của người dân tăng qua các năm dẫn đến chỉ số sức khoẻ của cả nước tăng. Năm 2016, chỉ số sức khoẻ của cả nước là 0,822. Con số này tăng lên 0,823 vào năm 2017; 0,825 vào năm 2019 và 0,826 vào năm 2020.

Chỉ số phát triển con người (HDI) là một trong những chỉ tiêu tổng hợp, đo lường sự phát triển của con người trên các phương diện: Sức khỏe, tri thức và thu nhập. HDI nhận giá trị từ 0 đến 1. Giá trị càng gần 1 có nghĩa trình độ phát triển con người càng cao và ngược lại. HDI được tính theo công thức trung bình cộng ba chỉ số thành phần, bao gồm chỉ số sức khoẻ, chỉ số giáo dục và chỉ số thu nhập.

HDI do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) khởi xướng từ năm 1990 và đang được nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế tính toán, công bố thường xuyên.

Chỉ số sức khoẻ được tính theo Chỉ tiêu tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh (tuổi thọ bình quân hoặc triển vọng sống trung bình khi sinh), được chuẩn hóa để thành phần này bằng 0 khi tuổi thọ là 20 và bằng 1 khi tuổi thọ là 85. UNDP cố định giá trị tối thiểu của tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh là 20 năm và giá trị tối đa là 85 năm.

Do vậy, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số sức khoẻ của cả nước có sự biến chuyển tích cực qua mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020. Những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện đáng kể. Cùng với đó, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tiến bộ dẫn đến tuổi thọ của người dân không ngừng tăng lên.

Người dân ở tỉnh, thành phố nào có sức khỏe tốt nhất cả nước? Bất ngờ vì Hà Nội không nằm trong top đầu - Ảnh 1.

Nguồn: "Báo cáo chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020" của Tổng cục Thống kê.

5 địa phương dẫn đầu cả nước về thứ hạng chỉ số sức khoẻ trong giai đoạn 2016-2020 phần lớn thuộc vùng Đông Nam Bộ. Top 5 bao gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đà Nẵng và Tiền Giang.

Qua mỗi năm, thứ hạng này có sự thay đổi luân phiên. Tuy nhiên, 5 địa phương này vẫn giữ vững vị trí trong top 5 cả nước ở giai đoạn 2016-2020.

Đáng chú ý, đây cũng là 5 địa phương có tuổi thọ trung bình cao nhất cả nước (trong giai đoạn 2016-2020). Tuổi thọ trung bình của người dân ở Đồng Nai là 76,5 năm, TP.HCM là 76,5 năm, Bà Rịa - Vũng Tàu 76,4 năm, Đà Nẵng 76,1 năm và Tiền Giang 75,9 năm.

Các thứ hạng 6-10 là những địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố Hà Nội trong 3 năm liên tiếp (2016-2018) đều giữ vị trí top 10. Năm 2019, Hà Nội vượt lên xếp thứ 9. Tuy nhiên đến năm 2020, thủ đô đã tụt 2 hạng, xuống top 11.

Người dân ở tỉnh, thành phố nào có sức khỏe tốt nhất cả nước? Bất ngờ vì Hà Nội không nằm trong top đầu - Ảnh 2.

Nguồn: Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Người dân ở tỉnh, thành phố nào có sức khỏe tốt nhất cả nước? Bất ngờ vì Hà Nội không nằm trong top đầu - Ảnh 3.

Nguồn: Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.

Cũng trong giai đoạn này, Quảng Bình và Trà Vinh là hai địa phương có sự thay đổi tích cực. Cụ thể trong 2 năm 2016 và 2017, Quảng Bình xếp thứ hạng 43 trên chỉ số sức khoẻ của 63 tỉnh, thành phố. Giai đoạn năm 2018 và 2019, Quảng Bình lần lượt đứng thứ 44 và 50. Đến năm 2020, địa phương này tăng 6 bậc, lên vị trí thứ 44.

Trong khi đó, Trà Vinh đứng vững top 20 trong năm 2016. Năm 2017, Trà Vinh tụt xuống 2 hạng là vị trí 22. Trong giai đoạn 2018 và 2019, địa phương này lấy lại vị trí 20. Sang năm 2020, Trà Vinh vượt lên 5 bậc và được gọi tên ở top 15.

Mặt khác, một số địa phương trong 5 năm liên tiếp không có sự thay đổi thứ hạng. Chẳng hạn Lào Cai (58), Sơn La (52), Yên Bái (57), Thừa Thiên - Huế (51), Quảng Nam (42)...

"Báo cáo chỉ số phát triển con người của Việt Nam giai đoạn 2016-2020" được Tổng cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Cục Thống kê các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thống kê Bộ, ngành và sự hỗ trợ kỹ thuật từ UNDP tiến hành biên soạn.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm