Mới đây, Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa công bố danh mục cổ phiếu thành phần của chỉ số VN30 trong kỳ cơ cấu tháng 7, theo đó từ 1/8, PNJ sẽ bị loại khỏi rổ VN30 và được thay bằng VIB. Nếu tính thêm VIB thì rổ VN30 sẽ có tới 11/30 cổ phiếu ngân hàng.
Nhiều người có quan điểm VN30-Index thật ra là Bank-Index bởi quá nhiều cổ phiếu ngân hàng trong một rổ 30 cổ phiếu đại diện tốt nhất cho thị trường.
Tại chương trình "Khớp lệnh" của VTV Digital, ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích, CTCP Chứng khoán SmartInvest, ngành tài chính và bất động sản chiếm đâu đó khoảng 50% vốn hóa của sàn, nên việc rổ VN30 có nhiều cổ phiếu ngân hàng như vậy là một điều hoàn toàn bình thường.
Dù vậy nó hơi méo mó và không tạo ra đại diện cho chỉ số VN30 thực sự tích cực và đúng xu hướng. Ví dụ chỉ cần nhóm ngân hàng kéo lên là thị trường có thể tăng đến 10 điểm và ngược lại. Mức ảnh hưởng quá lớn nên đôi khi nhìn vào chỉ số chung sẽ bị méo mó, trong khi các nhà đầu tư giao dịch thường nhìn vào chỉ số để đưa ra quyết định.
Thật ra so với thế giới đây không phải xu hướng lạ, hầu hết các nước phát triển đều có xu hướng ngành tài chính chiếm tỷ trọng rất cao trong rổ tính chỉ số. Ví dụ đối với thị trường phát triển như Mỹ, ngành công nghệ, công nghệ sinh học, ngân hàng,… có rất nhiều công ty. Thông thường một ngành như vậy chỉ chiếm 30% của một rổ nên đại diện sẽ tốt hơn và số lượng doanh nghiệp niêm yết của họ cũng tốt hơn.
Ông Khánh cho rằng để cải thiện vấn đề này nhà nước cần đưa một vài tổng công ty lớn đại diện cho các đầu ngành của nhà nước được lên sàn. Lúc đó chúng ta sẽ có một rổ phản ánh tính chính xác cao hơn về nền kinh tế, cũng như chỉ số cũng đáng tin cậy hơn.
Kỳ vọng trong thời gian tới chính phủ sẽ có những chính sách để thúc đẩy thêm doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp công nghệ, sáng tạo. Việt Nam còn có rất nhiều doanh nghiệp viễn thông lớn như MobiFone có kế hoạch lên sàn nhưng vẫn chưa được thông qua. Có lẽ đây là câu chuyện chúng ta sẽ phải kỳ vọng các doanh nghiệp có hàng hóa chất lượng được đưa lên sàn để nhà đầu tư chúng ta có thêm nhiều lựa chọn.
Chia sẻ về nguyên tắc đầu tư, Giám đốc Phân tích của Chứng khoán SmartInvest cho rằng một trong những lưu ý quan trọng là nhà đầu tư khi giao dịch không phân tích được cổ phiếu đó là cổ phiếu chu kỳ, cổ phiếu tăng trưởng hay cổ phiếu phòng thủ. Trong khi những điều đó rất quan trọng để xác định giá cổ phiếu, thậm chí là nguyên tắc chính khi tham gia đầu tư cổ phiếu.
Ông Khánh dẫn chứng Hòa Phát là một đại diện cho cổ phiếu chu kỳ. Chúng ta biết rằng khi chu kỳ đã hết, giá cổ phiếu giảm tương đối sâu và khi đó sẽ có nghịch lý là lợi nhuận dù rất cao, định giá rất thấp nhưng cổ phiếu lại cứ đi xuống.
“Theo tôi khá nhiều nhà đầu tư sai lầm trong chiến lược đầu tư kiểu này. Nếu mọi người đầu tư cổ phiếu công nghệ trên thị trường Mỹ có một đặc trưng dễ thấy là khi chúng ta mua P/E ở ngưỡng 50 – 70 và khi cổ phiếu về P/E 10 gần như đều bị bán.
Tất nhiên cổ phiếu công nghệ là cổ phiếu tăng trưởng không phải cổ phiếu chu kỳ như Hòa Phát, nhưng đối những cổ phiếu ngành chu kỳ, chúng ta nên thận trọng trong một chu kỳ đỉnh. Hiện tại Hòa Phát cũng đang chịu áp lực, mặc dù đã giảm về mức mua khá sát nhưng giá thép khảo sát tại các đại lý gần như họ vẫn đang chờ đợi mức giá thép còn giảm xuống nữa. Lúc đó nhu cầu trong nước sẽ cải thiện tương đối lớn.”
Nhiều nhà đầu tư hỏi rằng sao cổ phiếu thép chỉ số P/E thấp như vậy lại không đầu tư được? Bởi vì chúng ta phải nhìn nhận phần E – lợi nhuận đã đạt đỉnh rồi và khi P giảm xuống sẽ tạo ra P/E thấp nhưng E lại trên đà giảm và cứ dần dần nhìn về các quý sau P/E sẽ lại vọt lên.
Vậy nên cổ phiếu ngành thép là một trong những dòng chúng ta phải hết sức để ý, đôi khi những dòng P/E cao lại nên mua trong khi dòng P/E thấp chúng ta lại càng phải thận trọng.