Vào ban đêm, một lượng lớn lưu huỳnh lắng đọng trên bề mặt núi lửa Kawah Ijen ở tỉnh Đông Java, Indonesia bốc cháy và tạo thành những ngọn lửa màu xanh tuyệt đẹp. Hiện tượng này thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
Thế nhưng ít ai biết rằng nơi này còn là mồ chôn của nhiều thợ mỏ địa phương, những người chuyên đào lưu huỳnh để kiếm sống.
Lưu huỳnh là một nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với ngành công nghiệp toàn cầu. Chúng thường được dùng để tạo ra phân bón, thuốc súng, diêm, thuốc trừ sâu, pháo hoa... và được gọi là ’vàng của quỷ’.
Quá trình khai thác lưu hình rất gian nan. Đầu tiên người thợ phải chiết xuất khí lưu huỳnh bên trong núi lửa bằng hệ thống ống dẫn kim loại. Điều kiện môi trường bên ngoài khiến loại khí này ngưng tụ thành chất lỏng đặc sệt và nguội dần. Sau cùng, nó trở thành một phiến vật liệu lớn màu vàng nhạt.
Họ tiếp tục đập vỡ phiến vật liệu thành nhiều mảnh bằng tay không, đặt chúng vào những chiếc giỏ và khiêng tới nhà máy.
Công việc nặng nề này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của thợ mỏ.
Thông thường, một thợ mỏ phải vác 60-90kg lưu huỳnh và di chuyển trên quãng đường dài khoảng 16km. Việc lao động quá sức liên tục như vậy mỗi ngày khiến nhiều người bị biến dạng cột sống hoặc xương chân.
Ngoài ra, khu vực khai thác còn tràn ngập khí sulfur dioxide và hydrogen sulfide. Đây là 2 loại khí độc hại gấp 40 lần so với ngưỡng giới hạn tiếp nhận của cơ thể con người.
Hậu quả là nhiều thợ mỏ đã bị trúng độc, bị phù phổi, mất khả năng sinh sản, giảm thị lực, bỏng đường hô hấp...
Hầu hết thợ mỏ làm tại đây có tuổi thọ trung bình dưới 50 năm. Sở dĩ người dân Java lựa chọn đào "vàng của quỷ" là vì mức lương cao (10-12 USD/ngày) so với mức sống tại đảo.
Theo ước tính, ngành công nghiệp lưu huỳnh hiện tại trị giá khoảng 13 tỉ USD và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới.