Ngày 18/1, Microsoft thông báo cắt giảm hơn 10.000 việc làm, tương đương 5% nhân sự của công ty. Trước đó ít ngày, Salesforce cũng sa thải 8.000 người. Tiếp nối làn sóng sa thải cuối năm ngoái, hai quyết định này không gây bất ngờ, nhưng là dấu hiệu cho thấy không một gã khổng lồ công nghệ nào có thể miễn nhiễm trước sự suy thoái của thị trường. Các nhà đầu tư cũng đang xem xét lại cơ hội khi đầu tư vào Thung lũng Silicon.
Theo Reuters, Microsoft, Salesforce, Amazon, Meta và nhiều công ty khác đã có thời gian dài tăng trưởng vượt bậc. Họ từng tuyển dụng rầm rộ để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, làm việc, giải trí tại nhà trong giai đoạn Covid-19. Tuy nhiên, khi đại dịch qua đi, các hoạt động trở lại bình thường, khách hàng của họ điều chỉnh ngân sách khiến doanh thu giảm. Số lượng nhân sự khổng lồ giờ trở thành gánh nặng cho các tập đoàn, buộc họ thắt chặt hầu bao, cắt giảm lao động.
Meta đã quyết định cho 11.000 nhân sự thôi việc hồi tháng 11 năm ngoái sau khi chứng kiến doanh thu và lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Amazon sa thải 18.000 người. Tổng số nhân viên của Twitter đã giảm từ 7.500 xuống còn 3.700 vào đầu tháng 11/2022. Một số nguồn tin cho biết Elon Musk sẽ tiếp tục tiến hành một đợt cắt giảm mới ngay đầu năm 2023.
Bussiness Insider dẫn lời Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush, rằng đây chưa phải con số tồi tệ nhất. "Chúng tôi dự báo có thêm 5-10% nhân viên công nghệ tiếp tục mất việc vì các công ty đã vung tay quá trán những năm qua", ông nói.
Apple tránh được làn sóng sa thải nhưng đợt đóng băng tuyển dụng của công ty có thể kéo dài đến tháng 9 năm nay. Cuối năm ngoái, CEO Tim Cook cho biết công ty sẽ "cân nhắc vấn đề nhân sự để tùy vào tình hình thực tế". Theo Reuters, doanh thu quý của Apple dự kiến giảm sau 15 quý tăng trưởng liên tiếp do ảnh hưởng bởi sự gián đoạn ở nhà máy iPhone.
Alphabet, công ty mẹ của Google, cũng đang giảm tuyển dụng. Tập đoàn đã sa thải nhân viên tại bộ phận khoa học sức khỏe Verily, trong khi Google chưa bị tác động nhiều. Tuy nhiên, các nhân viên dự đoán tương lai ảm đạm sẽ sớm đến vì CEO Sundar Pichai đã nhấn mạnh việc điều chỉnh nhân sự trong cuộc họp cuối năm ngoái.
"Đồng hồ đang đếm ngược với ngành công nghệ sau một thập kỷ tăng trưởng thần tốc. Chúng ta đang chứng kiến giai đoạn Thung lũng Silicon sa thải nhân sự quy mô lớn", Dan Ives nói.
"Không ai biết điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Các giám đốc điều hành nên hạ thấp kỳ vọng, giảm giá sản phẩm cho phù hợp túi tiền của người dùng", Reuters dẫn lời các nhà phân tích.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng lạc quan về triển vọng lâu dài của các công ty công nghệ. Báo cáo của RBC viết: "Dù năm 2022 đầy khó khăn và tiếp tục kéo dài đến 2023, vẫn còn nhiều cơ hội về lâu dài cho lĩnh vực phần mềm". Một số lĩnh vực cũng tiếp tục gặt hái thành công như điện toán đám mây, AI và trở thành tia sáng trong bước tranh ảm đạm của toàn ngành.
(theo Reuters, Insider)