VN-Index đóng cửa tuần thứ 52 của năm 2022 với 4 phiên giảm, 1 phiên tăng, giảm 32,14 điểm tương đương 3,1%, đóng cửa tại 1.020,34 điểm. Như vậy, thị trường đã khép lại một tuần giảm mạnh kể từ khi tạo đỉnh ngắn hạn ở khu vực 1.100 điểm, đây cũng là tuần giảm thứ hai trong ba tuần gần đây.
Thanh khoản sụt qua từng phiên và khối ngoại chững đà mua ròng là nguyên nhân chính khiến thị trường chủ yếu đi ngang ở biên dưới vùng tích lũy trong tuần vừa qua.
Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 13.977 tỷ đồng, giảm 1,8% so với tuần trước đó, 2,9% so với trung bình 5 tuần nhưng tăng 5,1% so với trung bình 20 gần đây. Theo quan sát, tỷ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm dịch vụ tài chính, tài nguyên cơ bản, ngân hàng, trong khi giảm ở nhóm bất động sản, xây dựng & vật liệu.
Bộ đôi VCB và HPG dẫn đầu về mức ảnh hưởng tích cực lên VN-Index khi giúp chỉ số chính tăng lần lượt 7,59 điểm và 6,35 điểm. Chiều giảm điểm gọi tên VIC, NVL với tổng mức ảnh hưởng hơn 7,1 điểm.
Xét hành vi của các nhóm nhà đầu tư, dòng tiền từ khối ngoại tiếp tục nâng đỡ thị trường trong tuần điều chỉnh. Khối này mua ròng 4/5 phiên tại sàn HOSE, tương đương giá trị mua gom lên tới 1.375 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân là bên duy nhất bán ròng với quy mô 2.645 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 2.508 tỷ đồng.
Cá nhân trong nước chốt lời cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán để mua gom nhóm BĐS
Theo thống kê từ Fiintrade, tính riêng kênh khớp lệnh thì cán cân giao dịch nghiêng hẳn bên bán với 14/18 nhóm ngành bị bán ròng. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu của các ngân hàng với giá trị lên tới gần 854 tỷ đồng.
Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân cũng bán ròng gần 430 tỷ đồng ở nhóm ngân dịch vụ tài chính, trước khi rút ròng cổ phiếu tài nguyên cơ bản (252 tỷ đồng), thực phâm & đồ uống (206 tỷ đồng), bán lẻ (165 tỷ đồng), …
Nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính có tuần giao dịch mạnh với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 16,71% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp. Tuy nhiên chỉ số giá giảm 7,88% là mức giảm lớn nhất trong tất cả các nhóm ngành. Các mã có giao dịch nhiều nhất trong tuần đều thuộc nhóm chứng khoán (VND, SSI, SHS, HCM, VCI, VIX), với 6/6 mã giảm điểm từ 8,4% tới 16,4%.
Chỉ số dòng tiền tích lũy của nhóm dịch vụ tài chính giảm mạnh trong tuần, tuy nhiên chỉ số tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao cho thấy so với thị trường chung nhóm này thu hút dòng tiền mạnh hơn.
Chiều ngược lại, lực cầu chủ yếu tập trung ở nhóm bất động sản với gần 179 tỷ đồng. Điều đó cho thấy sức hút của ngành này đối với các NĐT cá nhân trong nước mặc dù nhóm này có nhịp giảm gần 3,68% tuần qua.
Tương tự, cổ phiếu hàng cá nhân & gia dụng và xây dựng & vật liệu cũng nằm trong danh mục giải ngân với giá trị thấp hơn.
Tâm điểm bán ròng: STB, HPG
Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện STB của Sacombank với 234,5 tỷ đồng. Giao dịch của các cá nhân trong nước gần như đối ứng với lực mua của NĐT nước ngoài và tổ chức trong nước.
Đồng thuận với giao dịch cổ phiếu của Sacombank, HPG và FUEVFVND cũng bị bán ròng với giá trị 220,3 tỷ đồng và 178,6 tỷ đồng.
Tương tự, một số cổ phiếu tài chính, ngân hàng khác cũng nằm trong top bán ròng, như EIB, SHB, CTG, VND với giá trị 140 – 230 tỷ đồng. Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu phân bón, hóa chất như DGC (165,7 tỷ đồng), DPM (105 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu NVL của Novaland vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 280,9 tỷ đồng cổ phiếu NVL, trái ngược so với lực xả từ phía tự doanh (268,9 tỷ đồng) và tổ chức trong nước (84,5 tỷ đồng).
Thông tin về hoạt động của doanh nghiệp, Novaland vừa công bố thông tin liên quan đến thông báo sự kiện vi phạm nghĩa vụ trái phiếu NVLH2123014.
Thông báo của Novaland cho biết, vào ngày 19/12, CTCP Chứng Khoán Dầu Khí (PSI) với tư cách là Đại diện người sở hữu trái phiếu và tổ chức nhận tài sản bảo đảm đối với trái phiếu NVLH2123014 đã thông báo sự kiện vi phạm nghĩa vụ theo trái phiếu NVLH2123014 do tổ chức phát hành là Novaland không bổ sung tài sản bảo đảm và không thực hiện theo Nghị quyết Người sở hữu trái phiếu NVLH2123014 số 244/NQ-ĐDNSHTP phát hành ngày 9/12/2022.
Novaland cho rằng "thông báo sự kiện vi phạm nghĩa vụ theo trái phiếu NVLH2123014 của PSI là chưa phù hợp với các quy định tại các Văn kiện trái phiếu có liên quan".
Hiện Novaland đang trong quá trình làm việc với PSI để yêu cầu gỡ bỏ thông báo này và tích cực làm việc cùng nhau để đưa ra các phương án phù hợp, đảm bảo quyền lợi của các trái chủ.
Cùng chiều, cổ phiếu TPB cũng được gom ròng với quy mô 126,6 tỷ đồng. Tương tự loạt mã bất động sản vốn hóa lớn và trung bình cũng nằm trong danh mục mua ròng như SZC (47,6 tỷ đồng), VGC (26,9 tỷ đồng), DXG (24,6 tỷ đồng), KDH (24,1 tỷ đồng), VIC (23,6 tỷ đồng), CII (20,3 tỷ đồng), …