Chứng khoán

NĐT cá nhân "tháo chạy" gần 2.500 tỷ đồng tuần VN-Index giảm gần 67 điểm, tâm điểm HPG, GAS

Thị trường chứng kiến một tuần giao dịch rung lắc mạnh, diễn biến giảm điểm đồng pha với thị trường thế giới và chỉ có 2 phiên phục hồi kỹ thuật khi chỉ số chung chạm hỗ trợ mạnh quanh 1.200 vào ngày 14/6 và 16/6. Áp lực bán chủ động liên tục xuất hiện khiến cho thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục mất điểm. 

VN-Index đóng cửa tuần thứ 25 của năm 2022 với 3 phiên giảm, 2 phiên giảm, mất đi 66,78 điểm tương đương 5,2% đóng cửa tại 1.217.3 điểm. Đây là tuần mất điểm mạnh nhất trong 5 tuần gần đây.

Thanh khoản đạt trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 16.298 tỷ đồng, chỉ tăng 0,5% so với tuần trước đó nhưng tăng đến 8,7% so với trung bình 5 tuần trước đó, cho thấy tâm lý nhà đầu tư phản ứng tiêu cực trước những thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô cũng như diễn biến của chứng khoán thế giới và theo đó khiến thị trường giao dịch chìm trong sắc đỏ.

Theo quan sát, duy nhất chỉ có nhóm cổ phiếu điện, nước còn giữ được mức tăng tích cực trên 5%. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn rổ VN30 chịu áp lực điều chỉnh mạnh, tạo áp lực lớn và kéo chỉ số chung giảm mạnh.

Trái ngược với lực cầu nâng đỡ đến từ NĐT nước ngoài và các tổ chức nội, NĐT cá nhân là bên bán ròng chủ yếu trên thị trường khi tháo chạy cả 5 phiên trong tuần, qua đó đẩy giá trị bán ròng trên HOSE lên tới 2.455 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 2.627 tỷ đồng.

NĐT cá nhân bán ròng loạt nhóm ngành vốn hóa lớn

Lệnh tháo chạy ồ ạt của NĐT cá nhân trong nước trước những lo ngại về nền kinh tế vĩ mô khiến cán cân giao dịch nghiêng hẳn về bên bán. Thống kê của FiinTrade cho thấy tuần qua chỉ có 5/18 ngành được mua ròng, trong đó lực cầu tập trung ở hai nhóm chính là bán lẻ (174 tỷ đồng) và dịch vụ tài chính (120 tỷ đồng).

Điểm khác biệt cơ bản là trong khi bán lẻ là 1 trong 3 nhóm ngành may mắn giữ được sắc xanh tuần qua thì cổ phiếu dịch vụ tài chính có chỉ số giá ngành giảm mạnh nhất trên toàn thị trường.

Định giá của nhóm dịch vụ tài chính, tiêu biểu là nhóm chứng khoán đã giảm về mức thấp nhất trong vòng 3 năm và giảm sâu xuống dưới đường -2 lần độ lệch chuẩn cho thấy nhóm này bị bán quá đà.

Chỉ số dòng tiền tích lũy vào nhóm chứng khoán (FMI-Abs) và chỉ số dòng tiền của nhóm này trong mối tương quan với thị trường (FMI-Rel) sau khi chạm đáy 1 năm thì đã đi lên lần lượt từ tháng 5/2022 và tháng 4/2022 và đang duy trì ở mức dương cho thấy có dòng tiền mới vào nhóm này.

Bên cạnh đó, có sự xuất hiện phân kỳ giữa FMI-Rel từ 10/6 và FMI-Abs từ 14/6 điều này ngụ ý rằng hai đường này sẽ phải điều chỉnh tại thời điểm nào đó để về mức bình thường. Theo các nhà phân tích của FiinTrade, hai đường này quay lại với nhau khi cung cạn đi hoặc khi dòng tiền tăng đủ mạnh sẽ kéo theo giá tăng.

Dòng tiền của các cá nhân trong nước còn tìm đến các nhóm du lịch & giải trí, ô tô & phụ tùng, truyền thông với giá trị không đáng kể.

 Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Ở chiều ngược lại, hoạt động rút vốn mạnh nhất được ghi nhận ở cổ phiếu ngân hàng. Mặc dù không phải nhóm giảm sâu nhất trong tuần qua nhưng với quy mô vốn hóa lớn nhất thị trường, cổ phiếu của các nhà băng tiếp tục là tác nhân chính gây ảnh hưởng tiêu cực lên VN-Index.

Bên cạnh đó, dòng tiền của các cá nhân lần lượt rút khỏi nhóm tài nguyên cơ bản (512 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (367 tỷ đồng), hóa chất (339 tỷ đồng), bất động sản (319 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (255 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (212 tỷ đồng),...

Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngành điện nước xăng dầu khí đốt ghi nhận tỷ trọng giá trị giao dịch tăng 0,4% so với tuần trước, và là mức cao nhất trong vòng 10 tuần liên tiếp. Điều này cho thấy ngành này thu hút sự quan tâm của dòng tiền cá nhân bất chấp áp lực điều chỉnh của thị trường.

NĐT cá nhân giao dịch thế nào trong tuần giảm mạnh?

Giao dịch thoái vốn áp đảo khiến Top10 mã bị cá nhân trong nước rút ròng mạnh nhất đều ghi nhận giá trị trên trăm tỷ đồng. Xét giao dịch theo từng mã, cổ phiếu HPG dẫn đầu về giá trị bán ròng toàn thị trường với 541 tỷ đồng. Đối lập với nhà đầu tư nội, khối ngoại và tổ chức lớn vẫn miệt mài mua gom cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát.

Ông lớn họ dầu khí PV Gas cũng bị bán ròng 426 tỷ đồng dù đồng thời là tâm điểm hút vốn ngoại khi được mua ròng 295 tỷ đồng. Hoạt động chốt lời mạnh của nhà đầu tư trong nước diễn ra trong bối cảnh mã này có nhịp tăng gần 13% trong tuần vừa qua và là cổ phiếu tác động tích cực nhất lên VN-Index.

Là một trong những nhóm bị bán ròng nhiều nhất, có hai đại diện của ngành hóa chất góp mặt trong danh mục xả ròng của các cá nhân là DPM (333 tỷ đồng) và DCM (234 tỷ đồng). Kế đó, giao dịch rút vốn mạnh cũng xuất hiện tại VHM (163 tỷ đồng), MSN (135 tỷ đồng), HDB (132 tỷ đồng), VGC (131 tỷ đồng), GMD (113 tỷ đồng) và NLG (104 tỷ đồng).

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp.

Chiều ngược lại, mặc dù bán ròng nhiều cổ phiếu phân bón hóa chất, nhà đầu tư cá nhân lại rót ròng mạnh nhất vào DGC của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang. Quy mô mua ròng của mã này đạt gần 260 tỷ đồng. Dòng tiền tích cực nhập cuộc khi thị giá DGC quay lại vùng giá cao thậm chí lên đỉnh lịch sử mới bất chấp sắc đỏ của thị trường trong nước.

Theo sau, MWG của Thế Giới Di Động là một đại diện của nhóm bán lẻ góp mặt trong danh mục gom ròng với quy mô 147 tỷ đồng. Đây cũng là mã gây chú ý trong tháng 4 khi nhiều lần ngược dòng nâng đỡ thị trường với thanh khoản bùng nổ.

Với tâm lý thận trọng, nhà đầu tư cá nhân theo sau chỉ gom ròng nhẹ hơn ở danh mục gồm VIC (127 tỷ đồng), FUEVFVND (101 tỷ đồng), NT2 (78 tỷ đồng), REE (77 tỷ đồng), ACB (60 tỷ đồng), NKG (55 tỷ đồng), E1VFVN30 (53 tỷ đồng) và NVL (45 tỷ đồng).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm