Lê Minh Đức, 17 tuổi, sinh sống tại TP. HCM hiện đang là học sinh lớp 11 chuyên Toán 1 trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Từ những năm tháng Tiểu học, Đức đã đam mê lắp ráp robot, lego. Chính sở thích, niềm đam mê ấy đã thôi thúc em nỗ lực học tập để theo đuổi ngành Robotics một cách chuyên nghiệp. Đức mong muốn sau khi tốt nghiệp THPT, em sẽ sang Mỹ học ngành Robotics – Tự động hóa để tiếp tục chinh phục những mục tiêu học thuật.
Nhờ nghiêm túc học tập, nỗ lực không ngừng đã giúp Minh Đức đạt được hàng loạt thành tích nổi bật:
Top 3 học sinh có điểm đầu vào cao nhất của trường THCS chuyên Trần Đại Nghĩa.
Giải kim cương kỳ thi OSE 2016.
Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo vì thành tích học tập xuất sắc năm học 2016 – 2017.
Top 1 Team World Scholar's Cup HCMC Round 2018.
Top 8 World Scholar's Cup Kuala Lumpur Global Round 2018.
Huy chương Vàng kỳ thi Toán Hoa Kỳ các năm 2019, 2020, 2021.
Huy chương Vàng ASEAN Youth Robotics Competition (AYRC 2015).
Huy chương Đồng Tài năng Robot TP. HCM ROBOTACON 2015.
Huy chương Vàng Tài năng Robot TP. HCM ROBOTACON 2016.
Huy chương Bạc Olympic 30/4 TP. HCM 2019 Robotics bảng A.
SAT 1540/1600 (năm 2022).
Huy chương Vàng đồng đội, huy chương Bạc đồng đội, huy chương Đồng cá nhân kỳ thi Toán SIMOC năm 2019.
Huy chương Vàng đồng đội, huy chương Bạc cá nhân, huy chương Đồng đồng đội SIMOC năm 2022.
Giải Nhì kỳ thi HSG môn Toán TP. HCM năm 2020-2021.
Chân dung nam sinh Lê Minh Đức.
Tham gia giải thi Robotics lớn nhất thế giới khi mới 10 tuổi
Minh Đức chia sẻ, khi học lớp 3, em bắt đầu được tiếp xúc với Robotics qua sự hướng dẫn của đàn anh khóa trên. Đàn anh đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ tại các cuộc thi Robotics nên được rất nhiều học sinh trong trường ngưỡng mộ. Ngoài ra, đàn anh này cũng thường xuyên mang những mảnh ghép hình lên trường rồi hướng dẫn cách lắp ráp cho mọi người.
Khi ấy, dù chỉ được chơi robot trong ít phút ngắn ngủi giờ ra chơi nhưng Minh Đức nhận ra bản thân có niềm đam mê và năng khiếu với bộ môn này. Vì vậy, Đức đã xin bố mẹ đăng ký cho theo học khóa robot, STEAM một cách bài bản. Nghiên cứu, khám phá Robotics là sở thích của em nên việc học tập không gặp nhiều khó khăn. Chỉ sau một thời gian ngắn tìm hiểu, em đã đạt được nhiều giải thưởng.
Đặc biệt năm 2016, Minh Đức là một trong những thí sinh nhỏ tuổi tham gia kỳ thi Robotics dành cho học sinh toàn thế giới, được tổ chức tại Hàn Quốc. Khi đó, Đức mới 10 tuổi, là học sinh lớp 5. Cuộc thi là cơ hội để em được thể hiện những ý tưởng, sự sáng tạo của bản thân thông qua hệ thống tự động hóa robot. Nam sinh chia sẻ, em đã dành rất nhiều thời gian và đầu tư công sức để hoàn thành sản phẩm.
Đức nuôi dưỡng cho mình niềm đam mê Robotics từ khi còn học cấp 1.
Minh Đức tâm sự: "Em nhớ trong một khoảng thời gian dài, em thường xuyên thức đến đêm muộn để cố gắng tạo nên sản phẩm hoàn thiện nhất. Dù chỉ đạt giải Ba, không giành được giải cao nhất nhưng em rất hạnh phúc. Bởi đó là lần đầu tiên em được ra "biển lớn", được chinh phục những điều lớn lao".
Tuy nhiên, đến năm lớp 8, Đức tạm gác lại niềm sở thích, đam mê để tập trung cho việc học. Mục tiêu khi đó của em là trúng tuyển vào trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong – ngôi trường danh tiếng tại TP. HCM. Đức phải dốc toàn bộ thời gian ôn tập cho 3 môn xét tuyển nên gần như không có thời gian dành cho Robotics.
Đến khi việc thi cử xong xuôi, nam sinh mới quay trở lại với đam mê. Em dành nhiều thời gian hơn cho Robotics và coi đó là cách giải trí sau những giờ học căng thẳng. Tuy nhiên, thời điểm này, Đức phải đối mặt với nhiều khó khăn vì khối lượng bài vở rất nhiều đòi hỏi em phải cân bằng giữa việc học và việc theo đuổi đam mê. Nhiều đêm thức khuya học bài cũng khiến sức khỏe nam sinh bị ảnh hưởng xấu.
Một khó khăn nữa mà Đức gặp phải là việc không có đủ tài liệu chuyên sâu để nghiên cứu và khó tìm được những người bạn chung niềm đam mê, chung chí hướng. Robotics là bộ môn mang tính đồng đội cao, không dành cho cá nhân riêng lẻ. Nhưng vượt qua mọi khó khăn, Đức quyết tâm theo đuổi đam mê đến cùng. Em đã đặt ra cho thân kế hoạch dài hạn là đi du học tại Mỹ với chuyên ngành Robotics – Tự động hóa.
Phương pháp học "tự làm thầy của chính mình" đem lại hiệu quả cao
Để hiện thực hóa ước mơ ra nước ngoài học tập, Minh Đức đang nỗ lực tham gia các bài thi chuẩn hóa. Vừa qua, em đạt điểm số 1540 bài thi SAT ở lần thi thứ 3 với điểm thành phần là: 790 Maths, 380 Reading, 370 Writing. Thời gian sắp tới, nam sinh sẽ thi chứng chỉ IELTS để sớm hoàn thành hồ sơ du học.
Bài thi chuẩn hóa SAT gồm 3 phần: Reading, Writing và Match (Đọc, viết, nối đặc điểm). Ở phần Reading, Minh Đức cố gắng tóm tắt nội dung từng đoạn, thay vì hiểu từng từ, em sẽ tìm hiểu ý chính để nắm rõ dụng ý tác giả. Ở phần Writing, nam sinh đọc các tài liệu để trau dồi từ vựng, cấu trúc ngữ pháp và dành thời gian luyện đề để tập quen với cấu trúc bài thi. Ở phần Match, Đức khuyên các bạn nên giải thật nhiều đề để quen với các dạng bài.
Trong quá trình học Minh Đức áp dụng cách học hiểu bản chất vấn đề, nói "không" với việc học thuộc lòng máy móc. Bất cứ với môn học nào, kể cả Lịch sử, Địa lý, em sẽ đào sâu các câu hỏi: "Tại sao nó lại như vậy? Nguyên nhân xuất phát từ đâu?" chứ không phải chỉ học thuộc, tìm hiểu nhiều vấn đề, đặt ra câu hỏi ngược để xây dựng tư duy.
Chia sẻ về phương pháp hữu hiệu này, Đức nói: "Em áp dụng cách học 'Tự làm thầy của chính mình' nghĩa là học và kiểm soát được khối lượng kiến thức tiếp nhận. Đối với những phần chưa hiểu, em sẽ tự nghiên cứu thêm tài liệu, nguồn mở khác. Em coi đó không phải là học mà là đang đi mở mang kiến thức mới. Chỉ khi nào thật sự khó khăn, em mới nhờ sự hỗ trợ của giáo viên".
15 tuổi trở thành "thủ lĩnh" trẻ tuổi nhất SEA Games 31
Không chỉ là một học sinh nổi bật tại trường, có niềm đam mê và đạt nhiều thành tích với Robotics, Minh Đức còn rất nhiệt huyết trong các hoạt động tình nguyện. Trong SEA Games 31 tại Hà Nội, Đức trở thành "thủ lĩnh" nhỏ tuổi nhất tại nhà thi đấu Thanh Trì. Nam sinh quản lý một đội nhóm 70 - 80 bạn trong 8 ngày.
Chia sẻ về lý do đáp chuyến bay từ TP. HCM ra Hà Nội, Đức cho biết: "Bản thân em là người yêu thể thao, 'xuất thân' từ môn cờ vua. Hơn thế, em mong muốn đóng góp công sức của mình vào hoạt động của quốc gia. Vì vậy khi thấy đơn tuyển tình nguyện viên, em đã chuẩn bị hồ sơ và nhanh chóng đăng ký.
May mắn em được trở thành 'thủ lĩnh' nhỏ tuổi nhất giải đấu. Em nghĩ do sự cố gắng hết sức nên được anh chị trong ban tổ chức ghi nhận và giao phó trách nhiệm này. Dù là leader trẻ tuổi nhất nhưng không vì thế mà em sợ hãi hay ngượng ngùng. Bởi trước đó, em từng là leader của một số câu lạch bộ trong trường. Em đã luôn cố gắng dùng nhiệt huyết của mình để hoàn thành tốt công việc".
Đức kể lại kỷ niệm đáng nhớ của em. Khi chuẩn bị ra Hà Nội đảm nhiệm công việc là lúc em bước vào kỳ thi cuối kỳ. Vì thế, em đã mang luôn 2 va li hành lý tới điểm thi để khi kết thúc có thể nhanh chóng ra sân bay, chuẩn bị thủ tục. Mọi thứ diễn ra nhanh chóng. Đêm hôm trước em đặt chân xuống Hà Nội thì ngay sáng hôm sau đã phải dậy sớm chuẩn bị Lễ Khai mạc SEA Games. Nhiệm vụ đầu tiên mà Đức thực hiện là đi khảo sát nhà thi đấu Thanh Trì, xem lịch thi đấu và lên kế hoạch cụ thể.
"Em thấy áp lực nhất là khi diễn ra trận thi đấu bóng rổ ngày 19/5. Số lượng người được vào xem chỉ 2000 khán giả nhưng có tới hơn 10000 người muốn vào sân. Việc điều tiết dòng người gặp không ít khó khăn, vất vả", Đức nhớ lại.
Sau lần trở thành "thủ lĩnh" một giải thi đấu, Đức thấy bản thân thay đổi theo hướng tích cực rõ rệt. Đầu tiên, nam sinh cảm thấy tự tin hơn trong công việc điều hành. Thứ hai, đó là cơ hội giúp Đức được tiếp xúc, kết nối với nhiều người. Thứ ba, Đức đã mang đến niềm vui cho bố. Em đã dùng số tiền thù lao bí mật mua vé máy bay và vé xem trận bóng đá chung kết trên sân Mỹ Đình cho bố. Đức thấy niềm vui thể hiện rõ trên gương mặt bố và em rất tự hào về điều đó.
"Lời sau cùng, em muốn nhắn nhủ đến các bạn học sinh như mình là khi còn trẻ, còn năng lượng thì hãy cứ bước đi. Hãy dành sức trẻ cho hoạt động vì cộng đồng, xã hội sẽ giúp bản thân tích lũy thêm nhiều trải nghiệm quý giá", Minh Đức cho biết.