Công nghệ

Năm lụi tàn của smartphone Việt

Nếu như giai đoạn 2019-2021 là giai đoạn phát triển mạnh của điện thoại Việt, với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi như Vsmart, Bphone, Masstel, chỉ một năm sau, những tên tuổi này gần như biến mất.

Thị phần gần về 0

Tại một số hệ thống lớn như Thế Giới Di Động, Viettel Store, thương hiệu Việt duy nhất có mặt là Masstel, với các mẫu điện thoại "cục gạch" dưới một triệu đồng. FPT Shop có thêm một smartphone của Masstel giá 1,7 triệu đồng. Hoàng Hà Mobile vẫn bán Bphone, trong khi CellphoneS cho biết đã không còn kinh doanh bất cứ mẫu điện thoại thương hiệu Việt Nam.

"2022 có thể là năm cuối cùng chúng tôi kinh doanh điện thoại thương hiệu Việt Nam", ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS, nói. Thực tế, đó là lô hàng Vsmart nhập cuối 2021 và còn bán tới quý đầu 2022. Sau khi bán hết, cửa hàng hiện không còn mẫu điện thoại Việt nào trên kệ.

Hai mẫu điện thoại của Bphone và Vsmart. Ảnh: Lưu Quý

Hai mẫu điện thoại của Bphone và Vsmart. Ảnh: Nguyễn Lộc

Bphone, một trong những thương hiệu Việt đình đám, không chia sẻ doanh số cụ thể. Khi ra mẫu A85 5G hồi tháng 4, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO Bkav, tiết lộ 300 máy đã được đặt cọc trong ngày. Sản phẩm cũng đã hết hàng trên website của công ty. Trên gian hàng của Bkav trên Shopee, hai sản phẩm được niêm yết là A50 và A60, mỗi mẫu bán được khoảng 50 chiếc. Đây là con số rất nhỏ nếu so với thị trường đang tiêu thụ khoảng một triệu máy mỗi tháng tại Việt Nam.

Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, các hãng smartphone Việt hiện chỉ chiếm 0,2% thị phần, trong khi vào năm 2019, họ từng đạt mức 11%.

Vì sao smartphone Việt biến mất?

Trả lời VnExpress, nhà phân tích Glen Cardoza của Counterpoint Research đánh giá thách thức với các hãng Việt là cần đáp ứng xu hướng thị trường và tâm lý chọn smartphone của người Việt ngày càng cao, trong bối cảnh sản xuất khó khăn.

Theo Cardoza, các thương hiệu điện thoại Việt chủ yếu dựa vào linh kiện nhập khẩu để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khủng hoảng liên quan đến đại dịch diễn ra, cùng tình trạng thiếu chip năm 2021 và suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến giá linh kiện tăng cao. "Các nhà sản xuất Việt Nam không được ưu tiên trong việc cung ứng", ông nói.

Đây cũng từng được cho là nguyên nhân khiến Vsmart phải rời thị trường ngay cả khi đang có doanh số tốt. Sau đó, Bkav từ việc khẳng định tự sản xuất các mẫu Bphone dòng B, một năm nay cũng đã chuyển sang phương án thuê gia công cho các mẫu Bphone dòng A.

Về thị trường, báo cáo của Counterpoint cho thấy người dùng trong nước đang chuyển dần từ smartphone giá rẻ lên phân khúc tầm trung. Các sản phẩm có giá dưới 150 USD (3,5 triệu đồng) chỉ đóng góp dưới 20% thị phần. Ở phân khúc cao hơn, người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn, đặc biệt là sự xuất hiện của các mẫu máy mới từ Xiaomi, Oppo, Realme, Vivo. Smartphone thương hiệu Trung Quốc đang chiếm 54% toàn thị trường Việt, cao hơn 270 lần smartphone thương hiệu Việt.

"Người dùng có sở thích mua điện thoại từ thương hiệu nước ngoài lâu năm, đã được công nhận, hơn là từ các thương hiệu địa phương nếu giá tương tự. Điều này gây khó khăn cho các hãng Việt Nam", nhà phân tích Glen Cardoza đánh giá.

Theo ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc khối Viễn thông Di động FPT Shop, thị trường smartphone lớn tại Việt Nam là cơ hội để thương hiệu Việt khai thác. Tuy nhiên, thách thức nằm ở thị hiếu của người dùng Việt "khó nắm bắt". "Sản phẩm phải vừa đảm bảo thương hiệu có tiếng, thiết kế và chất lượng sản phẩm tốt, lại phải có giá cạnh tranh", ông nói.

Vì vậy theo ông, khi tham gia , các hãng Việt phải đầu tư rất lớn trong thời gian dài mới có thể giành được thị phần. "Đây có thể là những yếu tố khiến thương hiệu Việt vừa qua đã không thể trụ được và bắt buộc phải chọn phương án là rút lui, hoặc chỉ làm một thị trường ngách, thay vì cạnh tranh trực diện với thương hiệu lâu đời, có tiếng hoặc các thương hiệu Trung Quốc có nền sản xuất tiên tiến và mức giá cạnh tranh", ông Kha nhận định.

Bên trong nhà máy sản xuất Vsmart trước khi rút khỏi thị trường. Ảnh: Tuấn Hưng

Bên trong nhà máy sản xuất Vsmart trước khi rút khỏi thị trường. Ảnh: Tuấn Hưng

Cơ hội nào cho smartphone Việt

Ông Trần Việt Hải, Phó chủ tịch Bkav, từng đánh giá ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam vẫn đang liên tục phát triển và chắc chắn sẽ phải có một hãng điện thoại. Tuy nhiên, sau khi chuyển hướng từ sản xuất sang ODM, Bkav hiện chưa đưa ra kế hoạch công bố các sản phẩm mới. Masstel vẫn bán smartphone giá rẻ, cấu hình thấp và tập trung vào phân khúc điện thoại cơ bản.

Ông Nguyễn Lạc Huy đánh giá sau khi Vsmart rút lui, những thương hiệu điện thoại Việt còn lại "đều rất yếu và thiếu về nguồn lực để cạnh tranh cũng như duy trì thị phần". Trong bối cảnh thị trường được các nhà bán lẻ đánh giá là không tăng trưởng trong các năm qua, khó có chỗ trống cho các nhãn hàng mới.

"Cùng với sự cạnh tranh gay gắt của các nhãn hàng hiện có trên thị trường, gần như không có cơ hội nào cho một thương hiệu Việt", ông Huy nói.

Còn theo ông Nguyễn Thế Kha, thị hiếu tiêu dùng của khách hàng sẽ có những sự đổi liên tục theo thời gian. Vì vậy, tại mỗi giai đoạn luôn có cơ hội phù hợp để doanh nghiệp Việt có thể nắm bắt. "Về cơ bản, để có thể cạnh tranh được, cần nhắm vào một ngách nào đó thay vì cạnh tranh trực tiếp, hoặc phải có tiềm lực đủ lớn và thời gian đủ dài để đầu tư và cạnh tranh trực diện", ông nói.

Trong khi đó, nhà phân tích đến từ Counterpoint đánh giá ở giai đoạn này, khó thấy thương hiệu Việt nào cạnh tranh được với thương hiệu toàn cầu, đặc biệt là các hãng Trung Quốc. Tuy nhiên, để có thể tồn tại trên thị trường, Glen Cardoza cho rằng Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất linh kiện nước ngoài mới có thể cung cấp điện thoại thông minh với giá cạnh tranh.

"Phân khúc giá thấp và trung bình được dự đoán sẽ tăng trưởng trở lại trong các quý tới. Các thương hiệu Việt có thể cố gắng nhắm mục tiêu vào phân khúc này. Ngoài ra, yếu tố ủng hộ thương hiệu Việt cũng có thể là điểm thu hút", Cardoza nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm