Trong khi thưởng Tết chỉ là khoản “tượng trưng” và cũng không biết làm thế nào để kiếm thêm, cách dễ nhất mà chị em nghĩ ra được là cắt giảm chi tiêu. Năm nay, khó khăn về kinh tế là tình hình chung nên dù là công nhân, nhân viên văn phòng hay là người làm kinh doanh cũng đều coi đó là một giải pháp.
Phan Thị Hồng Xoan, công nhân may ở quận Bình Tân - TP.HCM, quê Hà Tĩnh cho biết: "Tết em chỉ có 7 triệu đồng mang về, nên hay dở gì cũng chỉ tiêu trong chừng đó. Em chẳng mua sắm gì cho mình, cũng không có kế hoạch vui chơi gì hết, mà đưa hết tiền cho mẹ, chỉ trừ lại tiền xe khách để quay về TP.HCM thôi. Mẹ em mà tiêu thì tiết kiệm hết sức rồi.
Ra năm khoảng sau ngày 10/1 là em lại vào TP.HCM để làm việc, tiền xe đi lại cũng hết vài ba triệu đồng, nên Tết năm nay gia đình cũng phải chi tiêu rất tiết kiệm mới đủ."
Ảnh minh họa
Còn Nguyễn Hồng Thúy, sinh năm 1990, quê Phú Thọ, nhân viên kinh doanh một công ty bảo hiểm ở Hà Nội, kể: “Mấy năm nay, Tết nào gia đình tôi cũng đi du lịch nước ngoài. Năm nay cũng đi du lịch nhưng là đến nhà bà chị lấy chồng ở TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình”. Với kế hoạch này, gia đình cô vừa được ăn Tết với người thân, vừa tham quan những danh lam thắng cảnh, trải nghiệm, tìm hiểu về cái Tết ở một vùng văn hóa khác, mà lại tiết kiệm tiền.
“Chắc mình sẽ giảm tiền mừng tuổi đi. Năm ngoái còn biếu được bố mẹ mỗi bên vài ba triệu đồng, nhưng năm nay sẽ phải cắt giảm một nửa. Những khoản mừng tuổi khác cũng chỉ mang ý nghĩa tinh thần là chính, miễn là đổi được tiền mới, đẹp”, Chị Hoan, 42 tuổi, nhân viên tài chính một tập đoàn tại Hà Nội nói.
Trong khi đó, Mai Hoa, 35 tuổi, quê Thái Bình, nhân viên kế toán một công ty ở Cầu Giấy, TP. Hà Nội cho biết, năm nay sẽ phải cắt vào khoản thực phẩm. Mọi năm cứ đến Tết là cô làm hàng chục món, và mua đủ các thứ.
“Tết năm ngoái mình đến nhà chị bạn, chị ấy chỉ mang ra một món thịt để nhắm rượu, ăn kèm dưa góp. Món ăn quen thuộc nhưng vì không bày biện ê hề nên đâm ra lại rất ngon. Năm nay mình cũng bắt chước, chỉ làm mấy món. Giá thực phẩm rất đắt, nên giảm món như vậy là tôi cũng tiết kiệm được vài triệu đấy”, Mai Hoa chia sẻ.
Mặc dù phải đau đầu xoay tiền Tết và cắt giảm nhiều khoản chi nhưng phần lớn các bà nội trợ không cho rằng, cái Tết Quý Mão 2023 sẽ vì thế mà kém vui. Mai Hoa nói: “Có tiền xông xênh thì thoải mái, nhưng dù sao ngày Tết vẫn rất quan trọng, nhất là sum họp gia đình, gặp nhau đông đủ, ai nấy đều khỏe mạnh, tình cảm là vui”.
Theo Hoa, "tiền thì có nhiều tiêu nhiều, có ít tiêu ít, kiểu gì mà chẳng có Tết. Đa số mọi người đều khó khăn nên mình cũng chả lăn tăn. Năm sau tình hình kinh tế tốt lên, làm ăn được thì lại ăn Tết to hơn."
Anh Phạm Văn Phương, hiện đang công tác trong ngành quân đội cho hay, Tết đến năm nào cũng tất bật vì gia đình nội ngoại cách xa nhau, quê anh Phương ở Hà Tĩnh, vợ anh quê Phú Thọ, nên việc sắp xếp Tết nội, Tết ngoại là một vấn đề lớn, cả 2 vợ chồng đều công tác trong ngành nên không được nghỉ nhiều. Có nhiều năm phải trực Tết ở đơn vị nên chỉ có một người xoay sở, lo cho 2 con nhỏ.
"Tiền bạc chỉ là câu chuyện bên lề, nhưng với gia đình mình thì thời gian chính là vấn đề trọng tâm, Tết cứ nghĩ là được gặp gỡ sum vầy, nhưng gia đình mình lại di chuyển thường xuyên trên đường giữa Hà Nội – Hà Tĩnh rồi Hà Nội – Phú Thọ, thời gian đi lại đã chiếm hết ngày nghỉ.
Còn kinh tế thì có bao nhiêu sử dụng bấy nhiêu, Tết cũng chỉ đơn giản, quan trọng là đi chúc Tết gia đình nội ngoại và người thân cho trọn vẹn mà thôi. Việc chi tiêu thì tùy thuộc vào từng năm, năm nào được thưởng cao thì xông xênh, còn năm nào ít thì tiêu kiểu ít, không quá khắt khe nhưng vẫn phải chi tiêu trong khuôn khổ vì sau Tết còn vô vàn thứ khác phải lo", anh Phương chia sẻ.