Tài chính

Một số ngân hàng Nga bị loại khỏi SWIFT: Việt Nam chịu ảnh hưởng ra sao?

Chiến tranh hạt nhân trong lĩnh vực ngân hàng

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh (nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại Quốc tế, Đại học Ngoại thương), nói rằng, hiểu đơn giản, SWIFT giống như Facebook của hệ thống ngân hàng. “Nga bị loại khỏi SWIFT thì không thể làm bất kỳ giao thương nào, trừ tiền mặt. Đây có thể gọi là chiến tranh hạt nhân trong lĩnh vực ngân hàng”, bà Ánh nói.

Trước tình hình này, các dự án đầu tư giữa Nga và Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng. “Nếu tiền từ Nga đã sang rồi, dự án có thể tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là tiền từ dự án không thể chuyển về Nga. Không nhà đầu tư nào đi đầu tư mà không muốn lấy tiền về. Đồng thời, họ cũng không thể đầu tư thêm vào Việt Nam, trừ khi tiền chuyển qua vàng”, bà Ánh nhận định

Bà Ánh cho biết, hiện đã có doanh nghiệp lo lắng, khi đối tác Nga từ chối giao hàng theo hợp đồng đã ký, vì không chắc lấy được tiền từ Việt Nam. “Dù có thể ký quỹ mở LC (thư tín dụng), nhưng ngân hàng Việt Nam không chuyển sang được Nga thì không thể giao thương. Thông thường, tiền của một nước mất giá, hoạt động nhập khẩu sẽ được ưu đãi hơn, trước kia 80 rúp “ăn” 1 USD, nay rớt xuống 110 rúp/USD. Nếu trong điều kiện đồng rúp mất giá, ngân hàng vẫn giao thương được, nhập khẩu sẽ hưởng lợi. Nhưng với tình hình hiện nay, tiền không thể về, khả năng cao nhất là hàng đổi hàng”, bà Ánh phân tích.

Bên cạnh đó, theo bà Ánh, với Việt Nam, du lịch có thể là ngành chịu ảnh hưởng đáng lo ngại từ việc Nga hứng chịu các lệnh trừng phạt. Nga là thị trường quan trọng với du lịch Việt, đặc biệt tại nhiều địa phương như Nha Trang, Mũi Né, Vũng Tàu… Với tình hình hiện nay, bà Ánh cho rằng, “người Nga không còn ngoại tệ để đi du lịch, máy bay Nga cũng bị cấm trên không phận nhiều nước, người dân khó qua Việt Nam”.

Ngày 27/2, Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu thông báo loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFTẢnh: Obozrevatel

Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, nói rằng, thời điểm tái mở cửa đón khách quốc tế (ngày 15/3) đến gần, chiến sự bất ngờ nổ ra là vấn đề nan giải với ngành du lịch. Tại Nha Trang (Khánh Hoà), phần lớn du khách quốc tế là người Nga, Trung Quốc. Trong khi đường bay với thị trường Trung Quốc chưa thể mở lại, nguồn khách từ Nga rất quan trọng. Theo ông Vinh, lo lắng nhất lúc này của doanh nghiệp là không thể đưa khách về, và không thanh toán được với đối tác Nga.

Dự án của Nga tại Việt Nam có chịu ảnh hưởng?

Số liệu mới nhất từ Bộ KH&ĐT cho thấy, tính đến cuối tháng 2, Nga đứng vị trí thứ 24 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 151 dự án (tổng vốn 953 triệu USD). Các lệnh trừng phạt, bao gồm chặn kết nối SWIFT, sẽ ảnh hưởng các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, phần lớn là dự án điện và dầu khí.

Dù vậy, tác động trực tiếp của xung đột Nga-Ukraine đến kinh tế Việt Nam sẽ không lớn. Hiện giao thương giữa Việt Nam với Nga và Ukraine chỉ chiếm khoảng 0,9% tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam (chiếm 1,1% giá trị xuất khẩu và 0,8% giá trị nhập khẩu năm 2021, theo Tổng cục Hải quan). Nga và Ukraine cũng không phải là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam. Tuy nhiên, xung đột Nga-Ukraine có thể khiến áp lực lạm phát tại Việt Nam tăng lên khi giá dầu và khí đốt có thể neo ở mức cao.

SWIFT là hệ thống truyền tin nhắn giao dịch toàn cầu, kết nối hơn 11.000 tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo các chuyên gia, bị loại khỏi SWIFT, Nga có thể sử dụng công cụ truyền thống trước đây như điện thoại, máy điện tín, email để thực hiện giao dịch liên ngân hàng. Ngoài ra, Nga có thể tham gia các nền tảng công nghệ khác, như Hệ thống thanh toán quốc tế xuyên biên giới (CIPS) mà Trung Quốc xây dựng từ năm 2015.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm