Kỹ năng sống

Một ngành học nghe tên lạ: Ra trường không lo thất nghiệp, thu nhập khá ổn

Đây là ngành học nổi bật hiện nay, được nhiều thí sinh và phụ huynh quan tâm tìm hiểu.

Kinh doanh thể thao là một trong những ngành nghề "hái ra tiền" ở các nước phát triển trên thế giới. Gần đây, Việt Nam cũng đang nhanh chóng bắt kịp xu hướng đó. Hiện nay, có nhiều trường đào tạo chuyên ngành Kinh doanh thể thao, mở ra con đường mới đầy triển vọng cho sinh viên Việt Nam.

Nếu các bạn trẻ đang loay hoay chưa biết chọn ngành học, ngành nghề gì thì có thể tham khảo thông tin về ngành Kinh doanh thể thao. Theo dự báo, đây sẽ là một trong những ngành nghề phát triển trong tương lai.

CHUYÊN NGÀNH KINH DOANH THỂ THAO LÀ GÌ? LỘ TRÌNH HỌC TẬP RA SAO?

Kinh doanh thể thao là những hoạt động kinh tế liên quan đến thể thao và giải trí (bao gồm các giải đấu thể thao từ phong trào đến chuyên nghiệp). Chẳng hạn một số sự kiện thể thao lớn từng diễn ra như: Giải Futsal châu Á 2014, đại nhạc hội EDM 2018, hội thảo quốc tế ICSS 2019, giải boxing châu Á One Champion…

Hiện đang có một số trường đào tạo chuyên ngành Kinh doanh thể dục thể thao như: Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Đại Nam, Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng… Mỗi trường sẽ xây dựng chương trình học cùng số lượng tín chỉ khác nhau. Nhưng chung quy có những môn học nền tảng của ngành này theo lộ trình cụ thể như sau:

- Năm đầu tiên: Sinh viên được cung cấp kiến thức cơ bản trong kinh doanh như kinh tế trong thể thao, marketing trong thể thao, sự kiện, các kỹ năng chuyên nghiệp, thể thao toàn cầu… Nhiều bạn trẻ thấy những môn học trên tương đối giống với chuyên ngành Quản trị kinh doanh. Kinh doanh thể thao và Quản trị kinh doanh sẽ có những môn học tương đồng nhất định. Nhưng các môn học ở chuyên ngành Kinh doanh thể thao sẽ được đặt trong bối cảnh thể thao, đem đến cho sinh viên góc nhìn sâu sắc và hiểu biết cụ thể về đặc thù ngành.

Ví dụ cụ thể về đặc thù ngành: Trong kinh doanh thông thường, sản phẩm có thể là dịch vụ (massage, rửa xe…) hoặc hàng hóa (thực phẩm, đồ điện tử…). Còn trong kinh doanh thể thao, sản phẩm mang tính đặc thù. Sản phẩm của các đội bóng có thể là cầu thủ và cầu thủ cũng chính là người tạo ra sản phẩm khác, đó là một trận bóng nhằm đem đến cảm xúc, giá trị cho khán giả.

Một ngành học nghe tên lạ: Ra trường không lo thất nghiệp, thu nhập khá ổn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

- Năm 2, năm 3: Sinh viên được đào tạo chuyên sâu bằng các môn học nâng cao. Trong thời gian này, sinh viên được học một số môn thú vị, lý thú như:

Luật thể thao: Vận hành một đội bóng hay một CLB thể thao trong ngành công nghiệp thể thao cần có những quy định, luật lệ riêng. Và cuộc chơi thể thao có những luật chơi riêng của nó, không giống những ngành nghề, lĩnh vực khác. Vì vậy, sinh viên cần nắm rõ kiến thức cơ bản về luật chơi trong ngành thể thao.

Vấn nạn thể thao: Tham nhũng, phân biệt chủng tộc, bạo lực… chính là những vấn nạn thể thao cần lên án. Như các ngành nghề khác, ngành thể thao cũng tồn tại những góc khuất. Với những ai đang có định hướng theo đuổi ngành nghề này thì cần tìm hiểu rõ những vấn đề tồn đọng để có tư duy và đạo đức khi hành nghề.

- Năm 4: Đây là năm làm luận án tốt nghiệp. Sinh viên có thể chọn đi thực tập tại một số nơi như:

Môi trường thể thao chuyên nghiệp (CLB chuyên nghiệp): Đây là một nơi làm việc đầu ngành, khi sinh viên chọn làm việc ở môi trường này vẫn có nhiều vị trí và phòng ban như doanh nghiệp.

Môi trường thể thao đại học: Môi trường này đặc biệt phổ biến ở các đất nước có nền thể thao phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc và đặc biệt là ở nước Mỹ.

Liên đoàn thể thao: Mỗi một môn thể thao sẽ cần những liên đoàn cấp tỉnh thành cho đến quốc gia, châu lục và thế giới. Có một số liên đoàn nổi tiếng như liên đoàn bóng đá thế giới FIFA hay liên đoàn bóng rổ FIBA. Nếu các bạn trẻ muốn làm việc trong những liên đoàn lớn, giao thoa với nhiều quốc gia thì tiêu chí quan trọng là phải sử dụng nhiều ngoại ngữ.

Ngoài kiến thức chuyên môn, sinh viên còn phải chuẩn bị các kỹ năng như: Lên ý tưởng, lập chiến lược, xây dựng kế hoạch và quản lý điều hành các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thể thao…

Một ngành học nghe tên lạ: Ra trường không lo thất nghiệp, thu nhập khá ổn - Ảnh 2.

Nếu muốn có nhiều cơ hội nghề nghiệp, sinh viên nên trang bị Tiếng Anh tốt. (Ảnh minh họa)

CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP, MỨC LƯƠNG VÀ CÁC KHỐI XÉT TUYỂN

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kinh doanh thể dục thể thao có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn tại các agency sự kiện – truyền thông – marketing; doanh nghiệp; tổ chức; hiệp hội thể thao các cấp hay resort, khách sạn… bao gồm:

- Chuyên viên tổ chức sự kiện, chuyên viên kinh doanh sự kiện – hội nghị - hội thảo – lễ hội – du lịch thể thao – du lịch giải trí, chuyên viên nghiên cứu thị trường thể thao, chuyên viên đàm phán tài trợ.

- Chuyên viên truyền thông, tiếp thị trong lĩnh vực thể thao.

- Chuyên viên quản lý phòng GYM, quản lý thể thao giải trí, chuyên viên quản lý du lịch thể thao, quản lý thể thao ở khách sạn và resort.

- Chuyên viên quản lý bán hàng thể thao, chuyên viên quản lý công trình thể thao, quản lý CLB thể thao ở trường quốc tế và trường đại học.

- Chuyên viên tổ chức hoạt động thể dục thể thao tại các cơ sở, CLB cấp quận, huyện trên cả nước.

Một ngành học nghe tên lạ: Ra trường không lo thất nghiệp, thu nhập khá ổn - Ảnh 3.

Sau khi học xong, các bạn trẻ có thể làm việc tại các tổ chức/doanh nghiệp hoặc tự kinh doanh riêng. (Ảnh minh họa)

Mức lương trong ngành này được đánh giá là ổn so với nghề nghiệp khác. Với những người mới tốt nghiệp, bạn sẽ nhận được mức lương khoảng 10 triệu đồng trở lên. Đối với những người mở kinh doanh riêng như bán dụng cụ thể thao, bán quần áo thể thao, mở phòng tập thì mức thu nhập rất cao, con số không thể thống kê chính xác được.

Các khối xét tuyển ngành Kinh doanh thể thao:

A01: Toán, Vật lý, Tiếng Anh.

D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.

T00: Toán, Sinh học, Năng khiếu TDTT.

T01: Toán, Ngữ văn, Năng khiếu TDTT.

T02: Ngữ văn, Sinh, Năng khiếu TDTT.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm