Bất động sản

Môi giới bất động sản từng có thu nhập hơn 100 triệu/tháng, nay làm gì?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Anh Bình (một môi giới BĐS tự do ở Bắc Ninh) cho biết, vài tháng nay anh vẫn đều đặn đăng bài bán đất qua các hội nhóm trên zalo và facebook, nhưng không ai hỏi mua. Trong khi đó, chỉ nửa năm trước thôi, mỗi ngày anh luôn bận rộn với hàng chục cuộc điện thoại và tiếp những lượt khách đi xem hàng. Cũng nhờ đó, anh đã trạnh thủ bỏ túi cả trăm triệu đồng từ việc môi giới.

“Tôi làm cò đất từ cuối năm 2021 rồi, vào thời điểm sốt đất, có tháng tôi giới thiệu bán thành công ba lô đất và lời được hơn trăm triệu. Thời điểm đó có rất nhiều nhóm khách gọi điện nhờ tôi tư vấn, sau đó một số khách cùng về xem thực tế và chốt rất nhanh chóng. Hầu như tháng nào tôi cũng có khách chốt cọc. Nhưng đã 4 - 5 tháng qua rồi không còn khách nữa, tôi đăng bài nhiều lần mà giờ chẳng ai hỏi mua.” – anh Bình nói.

Môi giới bất động sản từng có thu nhập hơn 100 triệu/tháng, nay làm gì? - 1

Lúc cao điểm anh Bình từng thu nhập hơn 100 triệu đồng chỉ trong một tháng

Cũng theo anh Bình, lúc trước nhóm của anh có mấy người làm chung, nhưng nay không còn khách nên mỗi người tìm một việc để làm. “Nghề này không theo được nữa. Tôi tiếp tục phụ bán tạp hóa cùng vợ, một anh bạn hiện đang lái xe taxi, còn người nữa thì mở tiệm ăn sáng… ”, anh Bình cho hay.

Cũng là môi giới cho một công ty BĐS tại Hà Nội, chị Mai Anh chia sẻ, hiện doanh nghiệp chị làm đã cắt giảm hơn 50% nhân sự, chủ yếu là nhân viên kinh doanh. Dù không bị cắt giảm nhưng chị Mai Anh gần như “ngồi không” mấy tháng nay. Trong khi, chính sách lương đã bị cắt toàn bộ. Nghĩa là, nhân viên sale khi bán được sản phẩm thì hưởng hoa hồng, nếu không, đồng nghĩa tháng đó sẽ không có thu nhập. Không có khách giao dịch, nguồn thu không đảm bảo, chị Mai Anh chủ động kết hợp bán hàng online để sống qua ngày.

“Trước đây, tôi từng có thu nhập từ 50 triệu – 80 triệu mỗi tháng, nhưng 4 tháng nay tôi chỉ bán được một lô đất, với hoa hồng 7 triệu, những tháng khác công ty chỉ hỗ trợ một chút tiền chi phí xăng xe không đáng kể. Kinh tế gia đình bấp bênh, nên tôi tranh thủ nhận bán thêm đồ ăn cho cư dân cùng tòa nhà” – chị Mai Anh nói thêm.

Môi giới bất động sản từng có thu nhập hơn 100 triệu/tháng, nay làm gì? - 2

Do không có khách hàng giao dịch, hàng loạt môi giới đành tìm các công việc khác sống qua ngày

Có thể thấy, tình trạng môi giới BĐS gặp khó đang diễn ra ngày càng nhiều trên thị trường BĐS. Với môi giới doanh nghiệp, để tinh gọn bộ máy vận hành, nhiều công ty giảm đến 60-70% nhân sự, số còn lại chuyển sang CTV hoặc giảm lương, chính sách ... để cố gắng vượt qua thử thách. Bản thân doanh thu các công ty môi giới cũng đang giảm mạnh, trung bình mức giao dịch rơi vào khoảng 20% so với mức trung bình hàng tháng /theo dự án.

Tuy nhiên, chỉ trong khoảng nửa năm trở lại đây, khi Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng, nhiều dự án bất động sản bị thanh tra, khiến thị trường bất động sản rơi vào tình cảnh ảm đạm, đóng băng. Phần lớn các môi giới nói riêng và các sàn bất động sản nói chung đều đang phải đối mặt với thực tế nhiều tháng liền không có giao dịch hoặc lượng giao dịch phát sinh quá ít không bù đắp được chi phí vận hành của doanh nghiệp.

Môi giới bất động sản từng có thu nhập hơn 100 triệu/tháng, nay làm gì? - 3

Khá nhiều sàn giao dịch bất động sản nhỏ lẻ đã phải đóng cửa

Hiện, khá nhiều sàn giao dịch bất động sản nhỏ lẻ đã phải giải thể, những sàn quy mô cỡ trung và lớn trên thị trường buộc phải cắt giảm nhân sự và co cụm.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nêu thực tế, có hơn 300.000 người môi giới, nhưng chỉ 10% môi giới có chứng chỉ hành nghề và đã được đào tạo với khoảng 2.000 văn phòng môi giới, sàn giao dịch, nên phần lớn người môi giới đang hoạt động tự do kiểu “cò đất cò nhà”. Các sàn giao dịch của các doanh nghiệp bất động sản có uy tín thương hiệu chưa nhiều.

Theo ông Châu, chính vì thiếu lực lượng môi giới chuyên nghiệp có chứng chỉ hành nghề, có mã số người môi giới nên trong thời gian qua, giới “đầu nậu, cò đất cò nhà, doanh nghiệp bất lương” đã gây ra tình trạng thổi giá, đẩy giá, giao dịch ảo, tạo khan hiếm giả tạo, gây ra các cơn sốt ảo giá đất, giá nhà trên thị trường.

Lý giải về tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, không khó hiểu khi thị trường trầm lắng, lượng môi giới nghỉ việc, bỏ nghề tăng cao. Bất động sản là mặt hàng đặc thù, giá trị cao, chịu nhiều tác động của các vấn đề chính sách, vĩ mô kinh tế nên không dễ bán, đặc biệt khi thị trường suy giảm. Giai đoạn thị trường sôi động, việc kiếm tiền có phần dễ dàng đã chứng kiến sự bùng nổ nhân sự của nghề này, nhân sự của rất nhiều ngành nghề khác cũng tham gia làm môi giới. Khi thị trường trầm lắng cũng là giai đoạn để ngành môi giới bất động sản thanh lọc nhân sự.

Chia sẻ
Theo Hồng Hương (Arttimes)

Cùng chuyên mục

Đọc thêm