Công nghệ

Lý do Jensen Huang tặng chip AI đầu tiên cho Elon Musk

Ngày 19/2, Elon Musk đăng ảnh chụp cùng Jensen Huang năm 2016 khi nhận chip DGX-1. Hình ảnh nhanh chóng thu hút sự chú ý lớn trên mạng xã hội. Theo Letsdogossip, khoảnh khắc không chỉ tượng trưng cho bước nhảy vọt trong việc thúc đẩy công nghệ AI, mà còn củng cố mối quan hệ giữa hai nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành công nghệ.

Thực tế, CEO Nvidia từng nhắc đến việc này trong một sự kiện của New York Times tháng 11/2023. "Tôi đã giao cho Musk siêu chip AI đầu tiên mà thế giới từng tạo ra", ông nói. "Chúng tôi mất 5 năm để tạo ra cỗ máy, gọi là DGX. Ngày nay, nó có mặt ở khắp nơi. Tôi nghĩ sẽ thật thích hợp khi siêu chip đầu tiên cho AI sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm dành riêng cho trí tuệ nhân tạo mở".

Jensen Huang (bên trái) chuẩn bị ký lên chip DGX-1 trước khi giao cho đội ngũ OpenAI năm 2016. Ảnh: Elon Musk/X

Jensen Huang (bên trái) chuẩn bị ký lên chip DGX-1 trước khi giao cho đội ngũ OpenAI năm 2016. Ảnh: Elon Musk/X

Mẫu DGX đời đầu, hay DGX-1, ra đời tháng 4/2016, được đánh giá là đột phá về khả năng huấn luyện AI. Tháng 8 cùng năm, ông Huang quyết định tặng sản phẩm cho tổ chức phi lợi nhuận mới thành lập vài tháng có tên OpenAI. Khi đó, nỗ lực nghiên cứu của OpenAI, được dẫn dắt bởi Elon Musk, đã tạo ấn tượng với CEO Nvidia.

DGX-1 có trọng lượng gần 32 kg, gồm 35.000 bộ phận, được Nvidia quảng cáo "có sức mạnh của 250 máy chủ". Khi đó, ông Huang nói DGX-1 dễ triển khai, được tạo ra với mục đích "giải phóng khả năng siêu phàm", cũng như áp dụng chúng cho "những vấn đề thế giới từng không thể giải quyết được".

Trong bức ảnh được Musk chia sẻ đầu tuần này, Huang ký tặng đội ngũ OpenAI với thông điệp: "Gửi Elon và nhóm OpenAI. Vì tương lai của máy tính và nhân loại, tôi xin giới thiệu mẫu DGX-1 đầu tiên trên thế giới". Musk cũng đáp: "Cảm ơn".

Theo lời kể của ông Huang, bản thân ông nhận ra tiềm năng của chip AI và cố gắng hiện thực nó. Ban đầu, ông dự định chỉ chế tạo cỗ máy như DGX cho kỹ sư Nvidia sử dụng nội bộ. Tuy nhiên, khi gặp tại một hội nghị, Musk đã đề nghị: "Tôi muốn một trong số đó".

Việc tặng DGX cũng một phần có sự thúc đẩy của nhà đồng sáng lập OpenAI Ilya Sutskever. Huang nhận ra lĩnh vực công nghệ đang bước vào một kỷ nguyên điện toán mới sau khi Sutskever tạo bước đột phá để lập trình phần mềm từ mạng thần kinh có tên AlexNet, được phát triển cùng Geoffrey Hinton - người được mệnh danh là "ông trùm AI".

"Nó cho thấy hầu hết chương trình tạo phần mềm khi đó đã lạc hậu. Điều đó đã thúc đẩy tôi chế tạo siêu chip AI", Huang cho biết.

Nhưng sau sự phấn khích ban đầu, ông cố gắng đánh giá bức tranh toàn cảnh về việc chip mới có thể tác động đến toàn bộ ngành công nghệ thế nào. "Điều này có ý nghĩa gì với tương lai máy tính?", ông kể lại. "Câu hỏi này đã giúp chúng tôi đưa ra kết luận đúng đắn rằng mọi thứ sẽ thay đổi".

Theo Fortune, ngay sau khi nhận chip từ Nvidia, Sutskever cho biết DGX-1 đã đẩy nhanh các nghiên cứu của OpenAI. Công ty khi đó có thể chạy những thử nghiệm mà trước đây nằm ngoài tầm với. Sức mạnh của các thế hệ DGX đã giúp tạo những AI tạo sinh nổi tiếng ngày nay như ChatGPT hay Dall-E.

Trong video cuối năm 2016 về sự hợp tác với Nvidia, nhà nghiên cứu Andrej Karpathy của OpenAI mô tả cách công ty dự định sử dụng DGX dành riêng cho mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). "Cuối cùng, chúng ta có thể nói chuyện với máy tính giống như chúng ta nói chuyện với con người", Karpathy nói khi đó. Đây là điều gần như đã trở thành hiện thực vào cuối 2022 khi ChatGPT ra mắt.

OpenAI được Musk, Altman, Reid Hoffman, Peter Thiel và một số lãnh đạo công nghệ khác thành lập năm 2015. Ban đầu, tổ chức phi lợi nhuận này ra đời nhằm "thúc đẩy trí thông minh nhân tạo để phụng sự nhân loại". Tuy vậy, các xung đột về vấn đề định hướng xảy ra khiến Musk rời công ty năm 2018.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm