Doanh nghiệp

Loship - ứng dụng giao đồ ăn thuần Việt hiếm hoi đang cạnh tranh với Grab, Baemin…: Gọi vốn 3 lần trong một năm, mục tiêu IPO tại Mỹ vào 2024

Thị trường giao đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ những năm qua. Tuy nhiên hiện nay, phần lớn "chiếc bánh" béo bở này được chiếm lĩnh bởi các startup nước ngoài bao gồm Grab, Shopee Food (trước là Now), Gojek, Baemin. Trong khi với "tay chơi" trong nước, Be chỉ mới bước chân vào mảng giao đồ ăn từ tháng 4/2022, còn Loship được coi là đại diện bền bỉ nhất trong cuộc chiến, hoạt động từ cuối năm 2017 đến nay.

Tiền thân của Loship là Lozi - ứng dụng tìm kiếm đồ ăn, được đồng sáng lập bởi Nguyễn Hoàng Trung. Không mất nhiều thời gian kể từ khi ra mắt thị trường, Loship đã sớm nhận được sự quan tâm của các quỹ đầu tư nước ngoài.

 Loship - ứng dụng giao đồ ăn thuần Việt hiếm hoi đang cạnh tranh với Grab, Baemin…: Gọi vốn 3 lần trong một năm, mục tiêu IPO tại Mỹ vào 2024  - Ảnh 1.

Founder, CEO Nguyễn Hoàng Trung

Ngay trong năm 2017, Loship đã nhận vốn từ một số nhà đầu tư như Quỹ Vietnam Silicon Valley, Golden Gate và DT & Investment. Năm 2019, Loship tiếp tục huy động thêm chục triệu USD từ Quỹ Smilegate. Cũng trong giai đoạn này, Loship được bảo đảm đầu tư từ Tập đoàn Hana, một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất châu Á.

Năm 2021, dù dịch Covid-19 hoành hành nhưng Loship vẫn tiếp tục thực hiện 3 vòng gọi vốn. Hồi tháng 2/2021, ứng dụng giao hàng này gọi vốn thành công từ nhà đồng sáng lập Skype - Jaan Tallinn thông qua Quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings.

Đến tháng 8/2021, Loship hoàn thành vòng gọi vốn Pre-Serie C trị giá 12 triệu USD, được dẫn dắt bởi BAce Capital và Sun Hung Kai. Trong đó, BAce Capital là quỹ đầu tư được chống lưng bởi tập đoàn Ant Group. Theo báo cáo của DealStreetAsia, vòng đàm phán này đã định giá Loship là 100 triệu USD. Tuy nhiên, CEO Nguyễn Hoàng Trung từ chối xác nhận.

Đến tháng 10/2021, một nguồn tin cho biết Loship đang trong quá trình đàm phán với quỹ đầu tư Daiwa Securities Group và một số nhà đầu tư khác để huy động 50 triệu USD cho vòng Serie C.

Theo bài viết của Nikkei Asia tại thời điểm tháng 8/2021, Loship kỳ vọng có thể IPO tại Mỹ trong năm 2024, sau khi có lãi trong vòng 18 - 24 tháng. Loship đã thu hút được 2 triệu khách hàng tại Việt Nam nhưng họ cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt. Hiện Loship không chỉ giao đồ ăn mà phục vụ cả nhu cầu đi chợ hộ, mua thuốc,...

 Loship - ứng dụng giao đồ ăn thuần Việt hiếm hoi đang cạnh tranh với Grab, Baemin…: Gọi vốn 3 lần trong một năm, mục tiêu IPO tại Mỹ vào 2024  - Ảnh 2.

Mới đây nhất, Deal Street Asia đưa tin vào tháng 6/2022, Loship muốn huy động khoản vay tài chính thay vì đi huy động vốn. "Trong thời điểm không chắc chắn như hiện nay, các công ty đang chuyển sang ưu tiên việc tồn tại, thay vì gây quỹ. Và tài trợ bằng nợ là một lựa chọn khôn ngoan để (kéo dài) thời gian hết tiền", một nguồn tin thân cận với công ty chia sẻ với tờ này.

Việc chuyển hướng sang tìm kiếm nguồn vay tài chính cho thấy sự thay đổi chiến lược của Loship trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn. Các chuyên gia trong ngành nhận định "mùa đông" đã bắt đầu đến với startups và giới đầu tư mạo hiểm.

"Mùa đông" sắp đến với thị trường vốn mạo hiểm. Trong thời kỳ suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư cũng sẽ có xu hướng giải ngân chậm lại, tập trung hỗ trợ các startup trong danh mục thay vì đổ tiền thêm vào các công ty mới. Về phía doanh nghiệp, đây không phải là thời gian để đốt tiền mở rộng quy mô, mà cần tập trung vào long mạch, tức tìm được công thức bán hàng, tạo doanh thu tiền để tồn tại" , ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech chia sẻ.

Trong khi đó, bà Lê Hàn Tuệ Lâm - Giám đốc Đại diện quỹ Nexttrans tại Việt Nam nhận định, việc chạy đua đốt tiền đổi lấy người dùng và tăng trưởng không còn là công thức mà doanh nghiệp có thể theo đuổi. Các doanh nghiệp nên bắt đầu chuẩn bị "lương thực" để đón "cơn bão" phía trước. Nếu dùng nguồn lực tự thân, doanh nghiệp sẽ giảm bớt gánh nặng trên vai. Ngược lại nếu dùng đòn bẩy quá nhiều (bao gồm gọi vốn và vay) trong bối cảnh khó khăn, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức "lãi" không hề rẻ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm