Tài chính

Loạt doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu đang gánh hàng nghìn tỷ đồng nợ phải trả

Loạt doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu đang gánh hàng nghìn tỷ đồng nợ phải trả - Ảnh 1.

Theo thông tin doanh nghiệp công bố trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp chưa niêm yết đại chúng công bố một số chỉ tiêu tài chính cơ bản trong kỳ kế toán 1/1-31/12/2022.

Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp ghi nhận vốn chủ sở hữu âm trong khi nợ phải trả hàng nghìn tỷ đồng.

Loạt doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu đang gánh hàng nghìn tỷ đồng nợ phải trả - Ảnh 2.

Ví dụ như CTCP Đầu tư và Phát triển Bình Định ghi nhận lỗ sau thuế năm 2022 đạt 1.120 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu của công ty âm 620 tỷ đồng, so với 506 tỷ đồng năm trước đó.

Hệ số nợ phải trả/VCSH là -4,02, tương ứng với giá trị nợ phải trả của công ty là 2.492 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu là 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi năm 2022 cho biết, công ty đã tiến hành mua lại toàn bộ lô trái phiếu 200 tỷ đồng phát hành ngày 6/5/2020 và mua lại 35 tỷ đồng trong lô 150 tỷ đồng phát hành ngày 22/9/2020 vào tháng 12.

Ngoài ra, trong năm 2022, Đầu tư và Phát triển Bình Định đã bỏ lỡ nhiều đợt thanh toán lãi cho hai lô trái phiếu nói trên với lý do “ảnh hưởng của dịch bệnh Covid làm sụt giảm doanh thu”.

CTCP Nghiên cứu và sản xuất Vinsmart ghi nhận tại ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của công ty âm 455 tỷ đồng trong khi đó, nợ phải trả tại thời điểm cuối năm 2022 là 7.402 tỷ đồng. Tuy vậy, nợ phải trả đã giảm 1.684 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ trái phiếu là 814 tỷ đồng, giảm hơn 2.100 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu từ mức âm 4,89 kỳ đầu năm xuống mức âm 1,79 tại thời điểm cuối năm 2022.

Công ty lỗ sau thuế 1.079 tỷ đồng, giảm so với mức lỗ 4.953 tỷ đồng năm 2021.

Hai công ty Signo Land, Hồng Hoàng cũng ghi nhận vốn chủ sở hữu âm lần lượt là 138 tỷ và 95 tỷ đồng trong khi đó nợ phải trả là 1.066 tỷ đồng và 1.169 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ trái phiếu chiếm đến gần như 100% tổng nợ của Signo Land và con số này ở Hồng Hoàng là 93%.

Loạt doanh nghiệp âm vốn chủ sở hữu đang gánh hàng nghìn tỷ đồng nợ phải trả - Ảnh 3.

Tuy không âm vốn, nhưng nợ phải trả của Revital Investment và Hoàng Trường gấp cả trăm lần vốn chủ sở hữu.

Cụ thể, CTCP Đầu tư Revital Việt Nam ghi nhận lỗ sau thuế hơn 193 tỷ đồng trong năm 2022, trước đó, năm 2021 Revital Việt Nam cũng lỗ gần 157 tỷ đồng. Tại cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 9 tỷ đồng, chỉ bằng 4,6% so với đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả tăng 12%, lên 1.838 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 195,71 lần. Dư nợ trái phiếu 1.155 tỷ đồng, gấp 123 lần vốn chủ sở hữu.

Đáng chú ý theo thông tin trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, hiện tại, công ty đang làm thủ tục giải thể.

Công ty TNHH ĐT BĐS Hoàng Tường ghi nhận lỗ sau thuế hơn 267 tỷ đồng trong năm 2022, vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022 là 34 tỷ đồng, trong khi năm ngoái vốn chủ sở hữu công ty âm 99 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 119 lần, tương ứng với giá trị nợ phải trả là 4.018 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu 1.400 tỷ đồng, gấp 41 lần vốn chủ sở hữu.

Nợ hơn 7.400 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu giảm gần gấp đôi so với năm trước còn 629 tỷ đồng, hệ số Nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Setra Corp tăng gần gấp đôi so với năm 2021 từ 6,27 lần lên 11,79 lần; Hệ số Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu cũng tăng từ 5,14 lần lên 9,10 lần.

Công ty báo lỗ năm 2022 hơn 478 tỷ đồng, vào năm 2021, công ty này cũng ghi nhận lỗ 460,7 tỷ đồng. 

Trước đó, Setra Corp đã ra thông báo chậm thanh toán lãi gói 20 mã trái phiếu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm