“Anh chị nhận định ra sao về dòng ngân hàng trong hiện tại và thời gian sắp tới?”, host Ngọc Trinh đọc câu hỏi của khán giả cho các chuyên gia talkshow Bí mật đồng tiền tập 10 với chủ đề “Căng thẳng leo thang, mang tiền ra bán”.
Ngân hàng cũng là nhóm ngành nhận được nhiều sự chú ý khi từ cổ phiếu vua chuyển thành cổ phiếu bị hắt hủi trong nửa cuối năm 2021. Giá cổ phiếu giảm cũng khiến tổng giá trị vốn hóa của 27 ngân hàng niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán giảm tới 88.290 tỷ đồng, tương đương gần 4 tỷ USD, từ 2,07 triệu tỷ đồng xuống còn 1,98 triệu tỷ đồng trong tháng 2/2022.
Vốn hóa giảm mạnh nhất tháng qua là 3 ngân hàng vốn Nhà nước BIDV, Vietcombank và Vietinbank. Trong đó, BIDV và Vietcombank cùng mất khoảng 21.000 tỷ đồng còn Vietinbank giảm hơn 18.000 tỷ đồng.
Nếu tính theo tỷ lệ giảm, Vietcombank chỉ giảm 5,3% trong tháng qua trong khi BIDV giảm 9,7% và Vietinbank giảm 11,3%.
“Cổ phiếu ngành ngân hàng tôi cũng đã từng chia sẻ khá nhiều. Cổ phiếu ngân hàng trong những năm trước rất tốt nhưng năm nay họ có thể vẫn tốt nhưng không tốt như những năm trước được nữa nên tiềm năng tăng giá là không cao. Nếu lạm phát cao xảy ra thì thực sự dòng ngân hàng cũng sẽ chịu rủi ro.
Quan trọng thời điểm hiện tại không phải là đầu tư cổ phiếu gì mà quản trị tỷ trọng danh mục của bạn là bao nhiêu. Nếu tôi là một nhà đầu tư cá nhân thì tỷ trọng hiện tại nên 70-75% cổ phiếu, 20-25% tiền mặt thì sẽ rất linh hoạt. Nếu thị trường giảm bạn sẽ có mua được một số cổ phiếu tốt.”, ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment bình luận.
Thực tế đánh giá về ngành ngân hàng có tiềm năng hay không trong thời gian tới các chuyên gia đến từ Bí mật đồng tiền cũng có nhận định trái chiều. Còn nhớ trong tập trước, Phạm Lưu Hưng (Mr. X30), Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI (SSI Research) phân tích ngành này có nhiều kỳ vọng trong tháng 5 tới khi có nhiều sự kiện diễn ra. Năm nay ngành ngân hàng xoay quanh việc tái cấu trúc 5 năm và nghị quyết 42 hết hạn vào tháng 7. Ông Hưng cho biết các ngân hàng đang muốn gia hạn Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu và trình Quốc hội trong tháng 5.
Một khách mới khác là ông Nguyễn Quang Thuân, chủ tịch FiinGroup cũng có đánh giá lạc quan về ngành ngân hàng. Theo chuyên gia này, mặc dù Chính phủ chủ trương ép giảm lãi suất nhưng thực sự thì khó có thể ép được với sự hồi phục lại của ngành ngân hàng. Với cơ cấu thu nhập mặc dù nợ xấu gộp ngoại bảng lên cao nhưng khó cản được tăng trưởng của ngành ngân hàng trong thời gian tới.