Tài chính

Lập Hội đồng thẩm định quy hoạch đường sắt Lào Cai - Quảng Ninh

Lập Hội đồng thẩm định quy hoạch đường sắt Lào Cai  - Quảng Ninh - Ảnh 1.

Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hiện tại có khổ 1m, thường bị sạt lở, ách tắc khi có mưa lũ - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Hội đồng thẩm định quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh gồm 30 thành viên do ông Nguyễn Danh Huy - thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - làm chủ tịch.

Hội đồng có các thành viên thuộc bộ: Quốc phòng, Công an, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và đại diện 10 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt đi qua.

Trước đó, Cục Đường sắt Việt Nam đã trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định, phê duyệt quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với chiều dài toàn tuyến là 447,66km. Đây là tuyến đường sắt được quy hoạch với khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, chạy tàu khách và tàu hàng.

Theo đề xuất, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có điểm đầu kết nối với đường sắt Trung Quốc tại tỉnh Lào Cai; điểm cuối tại ga Cái Lân thuộc TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tuyến đường sắt này được quy hoạch đi qua địa bàn các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP Hải Phòng, Quảng Ninh.

Riêng đoạn qua Hải Phòng có tuyến có chiều dài 81,66km, trong đó tuyến đường chính xuống cảng Lạch Huyện dài 46,25km; tuyến nhánh xuống cảng Nam Đồ Sơn dài 12,63km; tuyến nhánh xuống cảng Đình Vũ có chiều dài 7,88km.

Trong đó, đoạn qua TP Hải Phòng bao gồm: tuyến đường chính xuống cảng Lạch Huyện có chiều dài 46,25km; tuyến nhánh xuống cảng Nam Đồ Sơn có chiều dài 12,63km; tuyến nhánh xuống cảnh Đình Vũ có chiều dài 7,88km; tuyến nhánh kết nối tỉnh Quảng Ninh dài 14,9km.

Theo quy hoạch, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có 41 ga gồm: các ga hỗn hợp khai thác cả tàu khách và tàu hàng; ga hàng hóa; ga kỹ thuật (nhường tránh tàu). Trong đó ga Lào Cai là ga liên vận quốc tế.

Trên cơ sở phương án quy hoạch, tư vấn tính toán nhu cầu vốn để đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (trong thời kỳ quy hoạch đến 2050): 183.856 tỉ đồng. Trong đó: chi phí giải phóng mặt bằng 24.065 tỉ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 110.138 tỉ đồng; chi phí khác 16.104 tỉ đồng; chi phí dự phòng 33.551 tỉ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm