Khoa học

Lần đầu tiên "nuôi trồng" hồng ngọc trên nhẫn bạch kim

Lần đầu tiên 'nuôi trồng' hồng ngọc trên nhẫn bạch kim - Ảnh 1.

Những viên đá quý của bà Boons tuân theo mô hình phát triển tự nhiên - Ảnh: Sofie Boons

Bà Sofie Boons, thợ kim hoàn và là nhà khoa học làm việc tại Đại học West of England (Anh), đã nảy ra ý tưởng này dựa trên việc tận dụng mảnh vụn đá quý thải ra (vốn có rất nhiều) để làm "hạt giống".

Bà mất 4 năm để phát triển quy trình có thể biến "hạt giống" thành một viên hồng ngọc giống hệt như khi khai thác ngoài tự nhiên, theo trang IFLScience ngày 26-9.

Cụ thể, "hạt giống" sẽ được "nuôi trồng" trong lò nung cùng dung dịch hỗ trợ (một loại hóa chất có tác dụng làm giảm nhiệt độ nóng chảy của nhôm oxit, thành phần tạo nên hồng ngọc). Kết quả là một viên hồng ngọc đẹp với chất lượng tương tự như trong tự nhiên được tạo ra chỉ trong vài ngày.

"Tôi hy vọng sáng kiến này sẽ chấm dứt câu chuyện được bàn tán lâu nay về việc đá quý nuôi cấy trong phòng thí nghiệm là "tổng hợp" và ít giá trị hơn đá quý tự nhiên", bà Boons cho biết.

Hồng ngọc do bà Boons "trồng" tuân theo mô hình phát triển tự nhiên để cho ra các mặt cắt tự nhiên tuyệt đẹp, đồng thời mỗi một "hạt giống" sẽ phát triển khác nhau.

Lần đầu tiên 'nuôi trồng' hồng ngọc trên nhẫn bạch kim - Ảnh 2.

Quá trình "nuôi trồng" "hạt giống" hồng ngọc - Ảnh: Sofie Boons

Nhà kim hoàn Boons hy vọng nghiên cứu của bà sẽ là dấu hiệu cho một kỷ nguyên mới của "đá quý được khai thác tại đô thị", thân thiện với môi trường hơn đá quý được khai thác trong tự nhiên và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Việc khai thác đá quý có thể làm xói mòn đất, phá rừng và ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái. Trong khi đó, nuôi cấy đá quý trong phòng thí nghiệm cũng gặp nhiều hạn chế vì cần nhiều năng lượng trong quá trình này.

Bà Boons cho biết về mặt lý thuyết, chúng ta hiện có đủ nguyên liệu đá quý trên hành tinh này để làm "hạt giống" và có thể ngừng khai thác hồng ngọc trong tự nhiên.

"Bằng cách chia sẻ nghiên cứu này, tôi hy vọng có thể trao sức mạnh vào tay nhiều người bởi kỹ thuật này đủ đơn giản để họ áp dụng. Nghiên cứu này không chỉ dành cho các nhà khoa học", bà Boons nói thêm.

Ngoài ra, kỹ thuật này còn có thể giúp "nuôi trồng" lại những viên hồng ngọc bị sứt mẻ để chúng đạt đến độ lớn cần thiết. Hiện nay, đối với các món đồ trang sức có đá quý bị mẻ, thợ kim hoàn chỉ còn cách cắt nhỏ chúng đi và điều này sẽ làm giảm giá trị món đồ.

Bà Boons cho biết bà đang mở rộng nghiên cứu ra các loại đá quý khác.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm