Cùng với việc chấm dứt hiệu lực văn bản 4911 và 1952, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì dự thảo về tách và hợp thửa đất. Cơ quan này cũng nêu, trong dự thảo sẽ bỏ các quy định về việc mở đường, thu hồi đất làm đường và lập quy hoạch, lập dự án. Thời hạn hoàn thành các đề xuất này là ngày 25/6.
Tính từ cuối năm 2021 đến nay, tỉnh Lâm Đồng ra 5 văn bản liên quan đến việc tách, hợp thửa đất. Đây cũng là giai đoạn ở địa phương nở rộ tình trạng phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, đặc biệt tại TP Bảo Lộc.
Trong đó, ngày 5/7/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản 4911 về việc giải quyết hồ sơ tách, hợp thửa đất. Văn bản này khiến phần lớn cá nhân không thể tách thửa đất nông nghiệp mà phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và lập dự án đầu tư. Chỉ trường hợp tách thửa để thừa kế, tặng cho giữa các cá nhân có quan hệ ruột thịt, họ hàng mới được xử lý.
Ngày 16/3 năm nay, tỉnh lại ra văn bản 1952 để xử lý các vướng mắc liên quan vấn đề này thêm trường hợp được giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên vẫn có hai điều kiện là chỉ các thửa đất nhỏ lẻ nhưng phải giáp đường hiện hữu, đồng thời việc tách thửa sẽ không hình thành khu, điểm dân cư mới, không kinh doanh bất động sản.
Song, cuối tháng 4, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị UBND Lâm Đồng kiểm tra, xử lý các công văn và quyết định về điều kiện tách, hợp thửa đất mà tỉnh đã ban hành từ năm 2021 đến nay.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thừa nhận một số điểm trong các văn bản nói trên chưa phù hợp hoặc trùng với Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và một số luật khác.
Liên quan đến quy định tách thửa, trước đó, Bộ Tư pháp cũng "tuýt còi" một số địa phương vì ra văn bản trái luật. Theo cơ quan này, đây là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Sau đề nghị trên, UBND TP Hà Nội cho phép tách thửa trở lại.