Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính, chiếm khoảng 90% giá trị giao dịch) vào cuối tuần qua (17/11) đã giảm về còn 0,18%/năm, chưa bằng 1/3 so với mức ghi nhận trước đó 1 tuần (0,62%).
Còn so với mức cao điểm 2,84% ghi nhận vào phiên 24/10, lãi suất qua đêm đã giảm gần 2,66 điểm %; lãi suất các kỳ hạn chủ chốt khác như 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng cũng đều giảm 2 – 2,7 điểm %.
Sau 4 tuần giảm liên tiếp, hiện lãi suất VND qua đêm liên ngân hàng đã về ngang giai đoạn trước khi NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào ngày 21/9.
Trước đó, NHNN mở lại kênh hút tiền qua tín phiếu vào hôm 21/9, sau hơn 6 tháng tạm ngưng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng duy trì ở mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Động thái phát hành tín phiếu của NHNN được cho là nhằm điều chỉnh thanh khoản trong hệ thống trong ngắn hạn, và từ đó kỳ vọng sẽ đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND, giúp làm giảm mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND, qua đó gián tiếp hỗ trợ tỷ giá.
Sau 35 phiên phát hành liên tiếp với tổng quy mô 360.345 tỷ đồng, NHNN đã dừng hoạt động chào bán tín phiếu từ ngày 9/11 và bơm trả lượng lớn thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi các lô tín phiếu cũ lần lượt đáo hạn. Tính đến cuối phiên hôm nay, lượng tín phiếu lưu hành đã giảm về còn 97.050 tỷ đồng. Số tín phiếu này sẽ tiếp tục đáo hạn trong thời gian từ nay đến đầu tháng 12.
Lượng lớn tín phiếu đáo hạn và đi cùng việc NHNN dừng phát hành tín phiếu mới được cho là yếu tố hỗ trợ đà giảm của lãi suất liên ngân hàng trong những tuần qua.
Theo giới phân tích, việc FED tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 và lạm phát Mỹ thấp hơn dự báo khiến giá trị đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế đảo chiều giảm mạnh, đã góp phần giảm áp lực lên tỷ giá. Áp lực tỷ giá hạ nhiệt giúp NHNN có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế và không cần thiết phải sử dụng công cụ tín phiếu để hỗ trợ tiền Đồng.
"Việc NHNN ngừng phát hành tín phiếu diễn ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá USD/VND đã giảm bớt kể từ đầu tháng 11. Kết quả, lượng lớn thanh khoản đã quay trở lại hệ thống đã đẩy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh trong các phiên vừa qua", Chứng khoán MBS cho hay.
Chứng khoán Bảo Việt cũng dự báo, với áp lực tỷ giá giảm bớt, NHNN sẽ để các tín phiếu dần đáo hạn thay vì phát hành thêm mới để trung hòa như các tuần trước.
Thực tế, tỷ giá USD/VND đã lao dốc mạnh trong những ngày gần đây dù lãi suất VND liên ngân hàng giảm sâu và chênh lệch lãi suất USD – VND tiệm cận trở lại mức cao kỷ lục hồi quý 3/2023. Hiện, tỷ giá mua – bán USD tại Vietcombank (ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống) được niêm yết ở mức 24.900 – 24.270 VND/USD, giảm 460 đồng (tương đương 1,9%) so với cuối tháng 10.
Trao đổi với người viết, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng nguồn vốn và trái phiếu tại các ngân hàng cho rằng, việc áp lực mất giá của VND tăng mạnh thời gian trước chủ yếu do cung - cầu USD ngắn hạn và USD trên thị trường quốc tế mạnh lên; và chênh lệch lãi suất USD - VND không phải là yếu tố quyết định hay yếu tố nguyên nhân, nhưng nó có thể là yếu tố cộng hưởng làm tăng áp lực lên tỷ giá.
"Khi áp lực gia tăng thì chênh lệch lãi suất - vốn tồn tại một thời gian dài trước đây - trở thành một yếu tố cộng hưởng, tác động làm căng thẳng thêm tình hình. Do vậy, việc phát hành tín phiếu là một trong những cách cùng tác động nhằm ổn định lại tỷ giá. Hiện, áp lực lên tỷ giá giảm do xu hướng USD quốc tế, đi cùng nguồn cung ngoại tệ có phần dồi dào hơn. Tỷ giá liên ngân hàng giảm khá mạnh, nên NHNN ngưng phát hành tín phiếu", vị này cho biết.
Chuyên gia này đánh giá, dù NHNN đã dừng phát hành tín phiếu và lượng tín phiếu cũ sẽ dần đáo hạn nhưng việc phát hành vừa qua cũng đã giúp nhà điều hành kiểm soát một cách nhạy hơn về lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng, vốn để rất lỏng trong một thời gian dài trước đó ở mức rất thấp (do thanh khoản dồi dào, tín dụng yếu). Điều này sẽ tăng tính chủ động cho Ngân hàng Nhà nước và khi cần thiết cơ quan này có thể tác động trở lại.