Tài chính

Lãi suất qua đêm liên ngân hàng bất ngờ giảm xuống dưới 3%/năm, thấp nhất trong nửa năm trở lại đây

Theo số liệu mới công bố của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 20/3, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã giảm 0,66 điểm%, xuống còn 2,84%/năm. Đây là lần đầu tiên kể từ cuối tháng 8/2022, lãi suất liên ngân hàng tại kỳ hạn này giảm xuống dưới mức 3%/năm.

Trong nửa cuối năm 2022, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng dao động ở mức 5% - 6%/năm, có thời điểm đạt mức cao kỷ lục trên 7%/năm do căng thẳng thanh khoản hệ thống. Trước đó, lãi suất qua đêm liên ngân hàng chỉ từ 0 - 1%/năm.

Trong tuần trước (14/3 - 17/3), mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn giảm mạnh và kết tuần ghi nhận tại 3,5% (giảm 2,7 điểm %) ở kỳ hạn qua đêm. Chênh lệch giữa lãi suất VND và USD đảo chiều sang trang thái âm.

 Nguồn: NHNN, SSI Research.

Lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái cắt giảm lãi suất điều hành. Cụ thể là giảm 1 điểm % cho lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng.

Nhiều chuyên gia phân tích nhận định, đây là biện pháp đi trước đón đầu (sớm hơn quyết định điều chỉnh lãi suất của Fed) và thích hợp trong bối cảnh hiện tại nhằmtháo gỡ khó khăn của nền kinh tế, với mục tiêu có thể giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay trên thị trường.

Hàm ý trong việc giảm lãi suất cho thấy NHNN đang ưu tiên hơn về tăng trưởng GDP khi số liệu kinh tế hai tháng đầu năm không mấy khả quan,cho thấy sự sụt giảm ở các thị trường xuất nhập khẩu, du lịch hoặc các nhu cầu nội địa. 

Cũng trong tuần qua (13 - 17/3),nghiệp vụ thị trường mở được sử dụng với khối lượng khá hạn chế xuyên suốt tuần, trong đó NHNN đã không phát hành khối lượng mới nào trên kênh bán tín phiếu sau hơn 1 tháng được sử dụng liên tục.

Theo CTCP Chứng khoán SSI, trên kênh cầm cố, chỉ có 3.100 tỷ đồng được phát hành, trong đó chủ yếu trong những phiên đầu tuần với lãi suất 6% và kỳ hạn 7 ngày (tổng 2.100 tỷ đồng).

Như vậy, NHNN đã đảo chiều bơm ròng gần 52.500 tỷ đồng, chủ yếu đến từ khối lượng lớn tín phiếu đáo hạn (83.600 tỷ đồng). Khối lượng lưu hành trên kênh tín phiếu giảm xuống còn 110.700 tỷ đồng và trên kênh cầm cố là 3.100 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm