4 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2022
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Andrea Coppola cho biết, Việt Nam đạt thành quả khả quan trong điều hành kinh tế vĩ mô năm vừa qua với mức tăng trưởng kinh tế 8,02% trong bối cảnh suy thoái kinh tế ở các quốc gia khác trên thế giới.
Theo ông Andrea Coppola, có 4 yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022.
Đầu tiên là động lực xuất khẩu, vốn rất mạnh từ trước đến nay, với xuất khẩu sản phẩm ngành chế biến và chế tạo là động lực chính đóng góp vào tăng trưởng GDP. Đại diện WB cho rằng, xuất khẩu sẽ tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.
Thứ hai là chỉ số tiêu dùng trong nước, được thể hiện qua sự phục hồi mạnh mẽ của doanh số bán lẻ, tăng 19,8% so với năm 2021 và tăng 15% so với năm 2019 – năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Thứ ba là việc thu hút vốn đầu tư khi năm 2022, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 22,4 tỷ USD, tăng hơn 13,5% so với năm 2021, cao nhất trong vòng 1 thập kỷ qua.
Cuối cùng, cần xem xét thực tế là đại dịch COVID đã tác động mạnh mẽ đến Việt Nam trong năm 2021, đặc biệt là trong quý III của năm. Do đó, phát triển kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022 cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp.
Giải pháp thúc đẩy kinh tế năm 2023
Ông Andrea Coppola nhận định, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn hơn đối với Việt Nam. Nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại trong những tháng tới do triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với rủi ro bên ngoài bao gồm áp lực lạm phát toàn cầu, chính sách thắt chặt tiền tệ và suy thoái tại các nền kinh tế lớn, cũng như sự gián đoạn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, lạm phát cao và rủi ro trong lĩnh vực tài chính có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023.
Do vậy, trong bối cảnh toàn cầu với nhiều rủi ro, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần tìm ra giải pháp vừa tăng cường phục hồi kinh tế song hành với việc kiềm chế lạm phát và giải quyết rủi ro tài chính.
"Các chính sách cần được thực hiện một cách linh hoạt phù hợp với những thay đổi của hoàn cảnh. Chẳng hạn như, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất và gây áp lực tỉ giá, Việt Nam nên cân nhắc một chế độ tỉ giá linh hoạt hơn", chuyên gia Kinh tế trưởng WB khuyến nghị.
Mức độ không chắc chắn cao sẽ đòi hỏi tổ hợp chính sách phải thích ứng với hoàn cảnh thay đổi. Nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất và áp lực tỉ giá, cơ quan quản lý tiền tệ Việt Nam có thể cân nhắc cho phép tỉ giá hối đoái linh hoạt hơn nữa, trong đó có việc nới rộng biên độ tỉ giá tham chiếu.
Nhằm ứng phó với áp lực tỉ giá hối đoái kéo dài, biện pháp bán ngoại tệ trực tiếp nên được áp dụng sáng suốt để bảo tồn dự trữ ngoại hối.
Trong trường hợp trượt giá dẫn đến lạm phát gia tăng, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét áp dụng lãi suất tham chiếu. Việc tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa sẽ hạn chế việc gia tăng lãi suất.
Các cơ quan chức năng nên hạn chế chi tiêu công đồng thời ưu tiên chi cho phát triển nguồn nhân lực và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế. Quản lý đầu tư công hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh lạm phát.
Để tăng cường hiệu quả quản lý đầu tư công, các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng khâu chuẩn bị dự án bằng cách ước tính chính xác hơn về chi phí và lợi ích, bao gồm cả chi phí đầu tư vào đất đai.
Trong trung hạn, Việt Nam cần tăng cường việc tái cơ cấu ngân hàng nhằm nâng cao sự ổn định tài chính và tăng cường khung giám sát hợp nhất để theo dõi và đánh giá rủi ro trên các thị trường, bao gồm ngân hàng, thị trường vốn và các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản.
Hướng đến nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045
Đề cập tới vai trò của cải cách thể chế trong việc thực hiện mục tiêu hướng đến nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, ông Andrea Coppola cho rằng, hiện đại hóa các thể chế hiện là một ưu tiên chính trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội được Đại hội Đảng thông qua vào tháng 2 năm 2021.
Một loạt cải cách thể chế có thể giúp đất nước tránh bẫy thu nhập trung bình bằng cách nâng cao năng lực ứng phó với những thách thức mới và phức tạp trên toàn cầu cũng như trong nước.
Theo báo cáo đánh giá quốc gia gần đây của Nhóm Ngân hàng Thế giới với tiêu đề "Để Việt Nam tươi sắc đào xuân", cần thực hiện 5 cải cách thể chế để Việt Nam cải thiện hiệu quả.
Các cải cách thể chế bao gồm: Tạo nền tảng thể chế vững chắc cho từng ưu tiên phát triển nhằm biến những ưu tiên phát triển đó thành hành động cụ thể; đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao hiệu lực của chính quyền các cấp; sử dụng các công cụ dựa trên thị trường để tạo động lực cho các bên liên quan thuộc khu vực công và khu vực tư; việc thực thi hiệu quả các quy tắc và quy định để tăng cường động lực, niềm tin và sự công bằng; và áp dụng các quy trình có sự tham gia để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn.
Khi áp dụng những cải cách thể chế này một cách có hệ thống hơn, Việt Nam sẽ củng cố tầm nhìn phát triển kinh tế, tăng cường năng lực thực hiện các chiến lược quốc gia và nâng cao tính hiệu quả trong một số lĩnh vực then chốt nhằm đạt được các mục tiêu phát triển như tăng trưởng xanh, chuyển đổi kỹ thuật số, tài chính bao trùm, an sinh xã hội và nâng cấp cơ sở hạ tầng.