Bất động sản

Kiến nghị NHNN sửa một số quy định giúp doanh nghiệp địa ốc tiếp cận vốn vay thuận lợi hơn

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ngày 21/11,  Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) kiến nghị xem xét bãi bỏ khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về những nhu cầu vốn không được cho vay (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 06/2023/TT-NHNN).

Nguyên nhân theo HoREA là do không phù hợp với các quy định của pháp luật về dân sự, về đầu tư, về kinh doanh bất động sản và cũng không phù hợp với thực tiễn và đã bị ngưng hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2023.

Hiệp hội cũng đề nghị NHNN bỏ quy định tổ chức tín dụng phải quy định cụ thể việc kiểm soát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích tại điểm c khoản 6 và điểm b khoản 9 Điều 1 của Thông tư 06.

Lý do là các tổ chức tín dụng gần như không thể thực hiện được quy định này trong trường hợp cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án. Do người sử dụng vốn vay cuối cùng là chủ đầu tư dự án không phải là khách hàng trực tiếp vay khoản tín dụng này.

Đồng thời bãi bỏ điểm c khoản 6 và điểm b khoản 9 điều 1 của Thông tư 06 theo hướng không quy định tổ chức tín dụng phải có biện pháp phong tỏa số tiền giải ngân vốn cho vay tại tổ chức tín dụng cho vay đối với trường hợp cho vay để thanh toán tiền.

Việc này nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ “đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh” để bảo đảm quyền của bên nhận đặt cọc, thế chấp, bảo lãnh. Trong đó có trường hợp đặt cọc để mua, thuê mua bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai.

Theo đó, HoREA cho rằng, chủ đầu tư dự án nhà ở hình thành trong tương lai (bên nhận đặt cọc) bị phong tỏa tiền đặt cọc, không được sử dụng tiền đặt cọc là bất hợp lý, không bảo đảm quyền sở hữu của chủ tài sản, trong đó có quyền sử dụng số tiền đặt cọc này.

Cũng theo Hiệp hội này, trên thực tế việc khách hàng đặt cọc để mua bất động sản, nhà ở hình thành trong tương lai thường có hai nhóm. Trong đó có khoảng 30% khách hàng vay vốn tín dụng để đặt cọc thì số tiềnnày bị ngân hàng phong tỏa. Còn đối với khoảng 70% khách hàng sử dụng vốn tự có (không vay vốn tín dụng) để đặt 5 cọc thì số tiền đặt cọc này chuyển vào tài khoản của chủ đầu tư và chủ đầu tư toàn quyền sử dụng.

Ngoài ra, đơn vị này cũng đề nghị NHNN nước xem xét hướng dẫn các ngân hàng thương mại về cách hiểu và có thể vận dụng nới lỏng các điều kiện vay vốn trên cơ sở cần xem xét sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư 39 để hỗ trợ và tạo điều kiện cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà ở thương mại, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn trong tình hình thị trường bất động sản vẫn còn rất khó khăn hiện nay.

Cụ thể, HoREA đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 7 Thông tư 39/2019/TT-NHNN về điều kiện vay vốn như sau: Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện như khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật, có nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, có tình hình tài chính minh bạch, có phương án sử dụng vốn khả thi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm