Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, tâm sự của một người mẹ 3 con khiến không ít người phải thở dài.
Với mức thu nhập trung bình 90 triệu/tháng, chị cho biết hai vợ chồng không những không có dư, mà tháng nào cũng phải “vay” thêm từ thẻ tín dụng khoảng 20-30 triệu mới đủ tiêu. Điều đáng nói chính là các khoản chi tiêu của gia đình chị không hề hợp lý, có rất nhiều “lỗ hổng”.
Tình hình tài chính, chi tiêu của gia đình 5 người (2 vợ chồng, 3 con nhỏ) này có thể tóm tắt như sau:
- Tài sản sau 9 năm lập gia đình: 1 chiếc xe máy SH (ô tô đi thuê)
- Các khoản chi cố định hàng tháng:
+ Thuê nhà: 15 triệu
+ Ăn uống: 15 triệu
+ Tiền học của 3 con: 42 triệu
+ Tiền thuê giúp việc: 7 triệu
+ Tiền đi lại: 4 triệu
+ Tiền biếu ông bà (mua thuốc cho bà, biếu tiền cho ông): 7 triệu
+ Tiền tiêu của 2 vợ chồng (mua mỹ phẩm, vitamin, tiêu vặt,...): 6 triệu
+ Cỗ bàn, hiếu hỷ: 5 triệu
Trên đây chỉ là các khoản cố định, ngoài ra, còn những khoản phát sinh khác mà chị vợ không nhớ được nên không liệt kê vào. Nhìn chung, ngoài việc tiêu hết 90 triệu mỗi tháng, chị cho biết, tháng nào cũng tiêu thêm 20-30 triệu từ thẻ tín dụng, lễ Tết tiêu nhiều thì có thể tiêu tới 50-70 triệu trong thẻ tín dụng.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người đã chỉ ra các "lỗ hổng" trong chi tiêu của gia đình này, cho rằng mức sống quá cao so với mức thu nhập, muốn tiết kiệm được thì bắt buộc phải giảm mức sống, giảm mức chi tiêu.
Tựu trung lại, ngoài khoản tiền giúp việc, hiếu hỷ và mua sắm tiêu vặt, phần lớn mọi người đều đồng tình khuyên gia đình này nên cho con học trường công, để giảm tiền học phí. Thương con, muốn đầu tư cho con học hành là tốt nhưng vì thế mà không có tiền dự phòng cho con thì cũng phản tác dụng.
Chưa quản lý được chi tiêu, tốt nhất hãy tránh xa thẻ tín dụng
Nếu biết cách sử dụng và có kế hoạch thanh toán dư nợ thẻ tín dụng đúng hạn, việc dùng thẻ tín dụng có thể giúp chúng ta tiết kiệm được phần nào, nhờ vào tính năng hoàn tiền. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ lý trí và sự kỷ luật dùng thẻ tín dụng sinh lời chứ không sinh nợ.
Trong trường hợp bạn chưa tự tin với khả năng quản lý chi tiêu, hoặc chưa tự tin khẳng định mình có mức thu nhập đủ sống, hãy cân nhắc kỹ 2 yếu tố dưới đây trước khi đưa ra quyết định “có nên dùng thẻ tín dụng” hay không.
1 - Thẻ tín dụng có thể tạo ra ảo tưởng dư dả
Mỗi ngân hàng sẽ có một quy định khác nhau về lịch sử tín dụng, cũng như mức lương tối thiểu với khách hàng có nhu cầu mở thẻ tín dụng. Điểm chung ở đây chính là hạn mức tín dụng có thể cao gấp nhiều lần thu nhập của bạn trong một tháng. Đây chính là cái bẫy ảo tưởng dư dả.
Ví dụ, lương của bạn là 15 triệu/tháng, ngân hàng có thể cấp cho bạn thẻ tín dụng với hạn mức 50 triệu. Điều này không có nghĩa là bạn đang có 50 triệu, nhưng bạn lại có cảm giác như thể mình đang thực sự có 50 triệu. Lúc này, hành vi tiêu dùng của các bạn sẽ nương theo con số 50 triệu; chứ không còn nằm ở 15 triệu nữa.
Và chỉ cần bạn duy trì hành vi tiêu dùng như vậy trong một vài năm, thậm chí là vài tháng, chẳng mấy chốc sẽ đến lúc mức chi tiêu hàng tháng của bạn vượt qua mức thu nhập hàng tháng. Vòng xoáy nợ nần cũng từ đó mà ra.
2 - Bẫy “thanh toán dư nợ tối thiểu”
Thay vì thanh toán toàn bộ số tiền đã sử dụng từ thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ cho phép bạn thanh toán một phần - gọi là dư nợ tối thiểu, thường là 5% tổng số tiền bạn đã chi tiêu từ thẻ.
Ví dụ: Trong kỳ sao kê vừa qua, bạn chi tiêu hết 20 triệu từ thẻ tín dụng, nhưng bạn lại chẳng có đủ 20 triệu để thanh toán toàn bộ dư nợ. Và thế là bạn lựa chọn thanh toán dư nợ tối thiểu.
Thoạt nghe, việc thanh toán dư nợ tối thiểu tưởng chừng rất có lợi cho những chủ thẻ đã “lỡ tiêu quá nhiều nhưng chẳng trả được bao nhiêu”. Thực hiện thanh toán mức tối thiểu đó, bạn sẽ không bị liệt vào nhóm nợ xấu, không bị khóa thẻ tín dụng. Tháng sau, nếu thẻ của bạn còn hạn mức, bạn vẫn có thể chi tiêu.
Tuy nhiên, “thanh toán dư nợ tối thiểu” vẫn là 1 cái bẫy, vì khi đó, ngân hàng sẽ tính lãi dựa trên toàn bộ dư nợ, mức lãi suất có thể lên tới 25-40% toàn bộ dư nợ - chính là tổng số tiền bạn đã chi tiêu và chưa trả được trong kỳ sao kê đó.