Tuần 29 – 31/8, VN-Index chỉ giao dịch 3 phiên do nghỉ Lễ, dù giao dịch ngắn nhưng thị trường đã có diễn biến dao động lớn trong tuần. Chịu áp lực từ phiên giảm mạnh của thị trường Mỹ phiên 26/8, VN-Index đã khởi đầu tuần mới với diễn biến giảm mạnh.
Sau khi chạm mốc 1.249, diễn biến bắt đáy tại ngưỡng hỗ trợ 1.250 đã giúp VN-Index hồi phục mạnh và khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ để chốt phiên 29/8 tại 1.270. Chỉ số tiếp tục tăng trong 2 tiếp theo để chốt tuần tại 1.280,51, giảm 2,05 điểm, tương đương 0,16% so với tuần trước.
Ngân hàng, dầu khí và cao su là những nhóm ngành nổi bật trong tuần với các đại diện như VCB (+1,8 điểm), GVR (+1 điểm) và GAS (+0,9 điểm) giữ 3 vị trí đầu tiên trong nhóm các cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến VN-Index.
DPM là cổ phiếu có mức tăng giá mạnh nhất trong Top10 với mức tăng trong tuần lên đến 5,8%. Trong khi đó VIC là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất ở chiều giảm điểm với mức tác động -1,3 điểm lên VN-Index.
Liên quan đến giao dịch của NĐT nước ngoài, họ bán ròng tổng cộng 527 tỷ đồng trên HOSE, trong đó gần như toàn bộ giao dịch được thực hiện qua kênh khớp lệnh.
Tập trung xả hơn trăm tỷ đồng TLG, NVL, DGC trên HOSE
Giao dịch chi tiết trên sàn HOSE, khối ngoại bán ròng mạnh nhất mã TLG với 187,6 tỷ đồng. Tuần vừa qua, cổ phiếu của Tập đoàn Thiên Long bất ngờ được NĐT ngoại tập trung mua gom trong bối cảnh giá cổ phiếu có nhịp điều chỉnh nhẹ gần 3%, kết phiên cuối tháng 8 tại 59.100 đồng/cp.
Trong báo cáo kết quả kinh doanh quý II, Thiên Long ghi nhận doanh thu kỷ lục 1.092 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty lãi sau thuế gần 186 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi và đạt kỷ lục kể từ khi lên sàn.
Trở lại giao dịch của NĐT nước ngoài, loạt cổ phiếu bất động sản nằm trong danh mục rút vốn còn có NVL (158,6 tỷ đồng), VIC (93,5 tỷ đồng), KBC (78,2 tỷ đồng), VRE (34,9 tỷ đồng),...
Không còn thu hút dòng tiền ngoại như giai đoạn trước đó, DGC tiếp tục bị bán ròng 107,9 tỷ đồng. Ngoài ra, Top10 cổ phiếu bị bán ròng dưới trăm tỷ đồng còn có sự góp mặt của PHR (96 tỷ đồng), HPG (70,8 tỷ đồng), VJC (54,5 tỷ đồng).
Tại giao dịch chứng chỉ quỹ, FUEVFVND bị bán ròng với giá trị 32,9 tỷ đồng.
Ở chiều mua vào, MSN dẫn đầu khi được mua ròng 114,2 tỷ đồng. Một cổ phiếu khác cũng được gom ròng hơn trăm tỷ đồng là PVD của Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling).
Theo sau đó là các cổ phiếu ngân hàng như CTG (83,6 tỷ đồng), SHB (77,7 tỷ đồng), HDB (41 tỷ đồng). Những mã còn lại có quy mô mua ròng 45 – 80 tỷ đồng như VNM, VHC, VHM, PVT, DXG.
Chốt lời PVS trên sàn HNX
Tuần qua, giao dịch của khối ngoại trên sàn HNX nghiêng về bên bán với quy mô bán ròng hơn 13 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khối này tập trung chốt lời cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam hơn 20,6 tỷ đồng. Tương tự diễn biến cổ phiếu ngành dầu khí, mã này cũng tăng mạnh nhờ giá dầu neo cao.
Theo sau, dòng tiền ngoại chỉ rút khỏi một số mã quen thuộc với quy mô không quá 2 tỷ đồng, điển hình như HLD (2 tỷ đồng), THD (1,3 tỷ đồng), NVB (732 triệu đồng), L14 (616 triệu đồng), NBC (543 triệu đồng), SD5 (527 triệu đồng),...
Trong khi đó, cổ phiếu IDC là mã đóng góp phần lớn giá trị mua ròng với gần 13,3 tỷ đồng và tập trung giao dịch phiên đầu tuần. Nối tiếp, dòng tiền ngoại còn tìm đến các mã MBS (1,9 tỷ đồng), VCS (1,5 tỷ đồng), BVS (1,1 tỷ đồng), TNG (1 tỷ đồng),...
Trở lại mua ròng trên thị trường UPCoM
Tiếp nối xu hướng mua ròng từ đầu năm, khối ngoại trở lại mua ròng trên thị trường UPCoM với quy mô gần 24 tỷ đồng.
Cổ phiếu VTP của Vietel Post tiếp tục thu hút lượng lớn dòng vốn ngoại khi được mua ròng 14,7 tỷ đồng. Lực cầu theo sau cũng tìm đến một số cổ phiếu như QNS (14,6 tỷ đồng), BSR (12,2 tỷ đồng), MCH (3 tỷ đồng), HD2 (1,9 tỷ đồng), HD6 (1,7 tỷ đồng), MML (1,2 tỷ đồng), FOC (937 triệu đồng),...
Chiều bán giao dịch tập trung phần lớn ở mã SIP của Đầu tư Sài Gòn VRG với giá trị 19 tỷ đồng. Kế đến, một số mã với lực xả khiêm tốn hơn, ví dụ như VEA (10,6 tỷ đồng), NTC (922 triệu đồng), TTD (412 triệu đồng), LTG (395 triệu đồng), HNI (326 triệu đồng),...