Chứng khoán

Hơn 82.000 tỷ đồng có sẵn trong tài khoản NĐT, tiền nằm nhiều nhất ở công ty chứng khoán nào?

 Tiền gửi và nợ vay margin của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Trên báo cáo tài chính của các công ty chứng khoán, tiền gửi của khách hàng được chia làm bốn nguồn chính gồm tiền gửi của NĐT về giao dịch theo phương thức công ty chứng khoán quản lý, tiền gửi bù trừ và thanh toán giao dịch, tiền gửi tổng hợp giao dịch và tiền của tổ chức phát hành chứng khoán.

Trong đó lượng tiền gửi của nhà đầu tư về giao dịch chứng khoán theo phương thức công ty chứng khoán quản lý chiếm tỷ trọng lớn nhất. Đây là lượng tiền có sẵn trong tài khoản, ở trạng thái “chờ giải ngân” vào thị trường.

Thống kê tại 80 công ty chứng khoán, lượng tiền gửi của khách hàng đạt kỷ lục thời điểm cuối quý I với hơn 101.000 tỷ đồng, tăng gần 7.700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nhưng trong quý II, lượng tiền này giảm sâu với tổng giá trị gần 19.000 tỷ đồng, xuống còn khoảng 82.284 tỷ đồng tại ngày 30/6/2022. Đây là lượng tiền thấp nhất kể từ cuối tháng 3/2021.

Tình thế khó khăn của thị trường trong quý II có thể khiến lượng tiền từ thị trường bị rút ra. Một giả thiết khác đưa ra lượng tiền mới không vào trong khi phần đông nhà đầu tư đang trong trạng thái “kẹp hàng” với tỷ trọng lớn cổ phiếu.

Thống kê cho thấy có 1/3 số công ty chứng khoán có lượng tiền gửi của nhà đầu tư tăng so với quý I với tổng giá trị 3.288 tỷ đồng trong khi tổng mức giảm ở phần đông đơn vị còn lại là hơn 22.213 tỷ đồng.

Những công ty có lượng tiền gửi của nhà đầu tư tăng mạnh nhất trong quý II có Chứng khoán Sacombank (931 tỷ đồng), Nhất Việt (641 tỷ đồng), VPS (574 tỷ đồng), VPBank Securities (436 tỷ đồng).

 20 công ty chứng khoán có lượng tiền nằm chờ của nhà đầu tư lớn nhất. Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp.

Trong quý II, lượng tiền chờ trong tài khoản của nhà đầu tư tại Chứng khoán VPS tăng trưởng nhưng có dấu hiệu chậm lại so với quý trước đó. Tổng số tiền gửi của nhà đầu tư tại VPS cuối tháng 6 là 22.678 tỷ đồng, bỏ xa đơn vị đứng thứ hai là VNDirect (Mã: VND).

Với việc nắm giữ thị phần lớn nhất về giao dịch cổ phiếu và phái sinh, lượng tiền gửi khách hàng tại VPS đạt giá trị lớn nhất thị trường không mấy khó hiểu.

Tại ngày 30/6, tiền gửi khách hàng tại Chứng khoán VNDirect hơn 8.160 tỷ đồng, giảm 1.766 tỷ đồng so với cuối quý I. Mức giảm này đứng sau hai công ty khác là Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) và Chứng khoán Tân Việt (TVSI).

Thời điểm cuối quý II, tiền gửi của khách hàng tại TCBS là 2.635 tỷ đồng, thấp hơn 2.593 tỷ đồng so với con số ghi nhận tại ngày 31/3. Còn với Chứng khoán Tân Việt, lượng tiền gửi tụt hơn 1.900 tỷ đồng xuống 3.155 tỷ đồng. Thời điểm đầu năm lượng tiền này là 1.712 tỷ đồng.

Những đơn vị có lượng tiền gửi khách hàng trên 3.000 tỷ đồng tại ngày 30/6 còn có SSI (5.764 tỷ đồng), MBS (4.054 tỷ đồng), FPTS (4.015 tỷ đồng), Mirae Asset (3.532 tỷ đồng). Các đơn vị này đều chứng kiến sự suy giảm trong quý II vừa qua.

Điểm lại những công ty khác cũng đang có lượng tiền nằm chờ trên 1.000 tỷ đồng là KIS Việt Nam, Bảo Việt, SHS, BSC, Rồng Việt, KB Việt Nam, HSC, SBS. Ngoài SBS tăng trưởng hay Rồng Việt, các đơn vị còn lại trong nhóm đều chứng kiến sự suy giảm.

Trong quý II vừa qua, hai công ty có sự suy giảm lượng tiền gửi khách hàng đột biến với giá trị hàng nghìn tỷ đồng còn có Chứng khoán VIX (Mã: VIX) và Chứng khoán Thành Công (Mã: TCI). Lượng tiền gửi khách hàng tại chứng khoán VIX sau khi tăng từ 1.404 tỷ đồng đầu năm lên 2.184 tỷ đồng sau đó giảm mạnh còn 487,3 tỷ đồng.

Tương tự với Chứng khoán Thành Công, con số tăng sốc từ 362 tỷ đồng lên hơn 1.300 tỷ đồng sau đó lao dốc xuống còn gần 191 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm