Đại dịch COVID-19 được cho là chất xúc tác để tạo ra chủ đề bàn luận xoay quanh việc cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động tới sức khỏe tinh thần của con người.
Theo Tech Wire Asia, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo cáo rằng tỷ lệ lo lắng và trầm cảm trên toàn cầu trong giai đoạn 2020 – 2021, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và hoành hành trên toàn cầu, tăng 25%.
Mặc dù việc phải dành nhiều thời gian ở nhà là lý do chính dẫn tới tình trạng này, nhưng việc phải điều chỉnh công việc để phù hợp với cuộc sống ngày thường mà vẫn giữ được hiệu quả cao nhất có thể trong thời gian cách ly xã hội cũng là tác nhân không nhỏ góp phần khiến sức khỏe tâm lý của nhiều người bị ảnh hưởng.
Trong khoảng ba năm qua, người lao động trẻ tuổi được cho là những người chịu ảnh hưởng lớn nhất. Một báo cáo gần đây chỉ ra rằng khoảng hơn 50% người lao động thuộc nhóm Gen Z (những người sinh ra trong giai đoạn từ năm 1997 đến năm 2019) đang có “sức khỏe tinh thần ở mức kém”.
Cụ thể, công ty theo dõi dữ liệu Axa đã thực hiện một cuộc khảo sát với hơn 30.000 người lao động trên khắp châu Âu, châu Mỹ và châu Á, bao gồm cả người lao động ở các quốc gia như Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Thái Lan và Philippines.
Kết quả cuộc khảo sát chỉ ra rằng khoảng 69% người lao động Gen Z ở châu Á cảm thấy không chắc chắn về tương lai của bản thân, 56% người lao động Gen Z châu Á lo ngại kỹ năng của họ sẽ không phù hợp với công việc và 47% cảm thấp áp lực trong việc phải theo kịp tốc độ thay đổi trong công việc.
Gần đây, hàng loạt doanh nghiệp ở khắp nơi trên thế giới đang thực hiện chiến lược sa thải nhân sự hàng loạt. Đặc biệt, riêng các doanh nghiệp trong ngành công nghệ trên toàn cầu đã sa thải tới hơn 220.000 nhân viên kể từ đầu năm 2023. Điều này có thể giải thích phần nào về sự lo lắng của các nhân viên Gen Z.
Một trong những tác giả của báo cáo chia sẻ: “Mặc dù tất cả mọi người đều phải sống chung với đại dịch, nhưng nhóm lao động Gen Z lại là những người bị ảnh hưởng lớn bởi họ đang ở trong giai đoạn phát triển, cần trau dồi thêm nhiều kỹ năng, nhưng không may lại phải dành quá nhiều thời gian ở nhà”
Trước đó, theo một báo cáo của WGSN, nhóm Gen Z châu Á cũng đang ưu tiên sức khỏe toàn diện của họ. Báo cáo của WGSN chỉ ra rằng có khoảng 48% người trẻ tuổi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cảm thấy căng thẳng do áp lực trong công việc hoặc học tập cũng như các mối quan tâm về tài chính.
Khoảng 57% người tiêu dùng thuộc nhóm Gen Z ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng cho rằng thành công là nhờ sự cân bằng mang tính lành mạnh giữa công việc và cuộc sống, khi họ có xu hướng đi ngược lại lịch làm việc truyền thống, từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều điển hình ở nhiều nơi, và chọn lịch làm việc linh hoạt hơn.