Doanh nghiệp

Hòa Phát đang chuẩn bị tiềm lực đấu thầu đường sắt cao tốc

"Ngay thời điểm bây giờ chúng tôi đã bắt đầu nghiên cứu và cho người đi tìm hiểu công nghệ ở các nước có sản xuất thép đường ray này", bà Oanh nói và nhắc lại lời chủ tịch HĐQT Trần Đình Long rằng Hòa Phát đủ năng lực làm đường ray cao tốc. 

Lãnh đạo tập đoàn khẳng định dự án Dung Quất đã có thể sản xuất được những loại thép có chất lượng cao hơn cả thép cho cao tốc, chẳng hạn như loại thép mỏng nằm trong lốp ô tô có tiêu chuẩn cao hơn thép đường ray.

Tuy nhiên, sản lượng sản xuất còn chưa nhiều nên nhà đầu tư chưa nhìn thấy được sự đóng góp của các loại thép chất lượng cao. Khi Nhà nước đưa ra quyết định đầu tư đường sắt cao tốc thì tập đoàn tự tin có sự gia tăng về sản lượng.

Hòa Phát còn có thể tăng sản lượng phân khúc thép xây dựng. Siêu dự án đường sắt còn phải xây dựng cơ bản, đế móng đường nên cần thép xây dựng và các loại ống thép; các điểm chờ kết nối, nhà ga cũng cần phải sử dụng đến thép. 

Hòa Phát kỳ vọng có thể cung ứng các loại thép hiện hữu và thép đường ray cho Đường sắt cao tốc Bắc Nam. Ảnh: HPG.

"Song hành với thép đường ray thì chúng tôi cũng kỳ vọng tăng trưởng các loại thép đang có như thép xây dựng, ống tôn, HRC", bà Oanh cho biết. 

VỊ CFO đánh giá đây là cơ hội lớn với doanh nghiệp Việt Nam, tập đoàn đang cố gắng nâng cao năng lực và chuẩn bị mọi tiềm lực để đáp ứng các tiêu chí lựa chọn khi tham gia thầu đường sắt cao tốc Bắc Nam, đóng góp một phần vào cao tốc là nằm trong khả năng. 

Thép đường ray là một phần trong cấu thành của dự án thép mới của Hòa Phát. Tập đoàn phải tính trước đến loại sản phẩm gì, công nghệ như thế nào, yêu cầu môi trường... nhưng hiện còn quá sớm để thông tin về chi phí làm dự án này. 

Bà Kim Oanh nhận định Việt Nam tự chủ được về thép sẽ có lợi hơn thay vì phụ thuộc vào nhập khẩu. Công trình cần phải bảo trì sau này nên nếu bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu sẽ ảnh hưởng đến quá trình bảo dưỡng dự án.

"Những gì Việt Nam làm được thì chúng ta nên làm. Hàng Việt cũng không thua kém gì với thế giới, công nghệ làm thép của Hòa Phát rất tiên tiến và dòng sản phẩm cũng rất mới, nên ưu tiên cho hàng Việt", bà Kim Oanh chia sẻ.

Nữ lãnh đạo còn thông tin nếu sản xuất được thì nên sử dụng trong nước để giảm áp lực lên tỷ giá ngoại hối, bởi nếu như nhập khẩu thì cần nhiều ngoại tệ hơn để mua hàng. Việc bảo trì, bảo hành, nâng cấp sửa chữa cũng cần dùng đến ngoại tệ nếu nhập khẩu.

Bà tin rằng Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước có năng lực, Hòa Phát đang nổ lực nghiên cứu dòng sản phẩm phù hợp, đáp ứng tất cả tiêu chí lựa chọn trong chào thầu các công trình trọng điểm. 

Trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ Giao thông vận tải cho biết tuyến đường có chiều dài khoảng 1.541km, điểm đầu là ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP HCM), với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa.

Tổng mức đầu tư khoảng 67 tỷ USD, trong đó hơn phân nửa nguồn vốn dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, bao gồm các phần cầu hầm, nền đường... 

Chủ tịch HĐQT Hòa Phát Trần Đình Long gần đây khẳng định ủng hộ chủ trương làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đặc biệt đánh giá cao yêu cầu “phải sử dụng” hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất vào các gói thầu. 

Người đứng đầu tập đoàn nói đã nghiên cứu về dòng sản phẩm thép ray. Nếu được lựa chọn sẽ cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao.

Các chủng loại thép đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu; đồng thời đảm bảo thời hạn giao hàng theo đúng tiến độ dự án và với giá đảm bảo cạnh tranh với thép nhập khẩu.   

Hiện Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á và Top 50 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, với công suất 8,5 triêu tấn/năm. Tập đoàn này đang trong giai đoạn đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 có quy mô vốn 3 tỷ USD, dự kiến bổ sung công suất 5,6 triệu tấn HRC.  

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm