Kỹ năng sống

Hành trình trở lại cuộc đời của cậu bé suýt bị thiêu sống

12 năm trước, cậu bé Vũ Quốc Linh mới ba tuổi bị bố đẻ đổ xăng lên người đốt, bỏng 87% cơ thể. Nửa thân trên của Linh co lại giống như một quả bóng, cổ và vai dính vào nhau khiến khuôn mặt biến dạng. Miệng em bị xé toạc, da mặt co rúm tạo ra những vết rãnh chồng chéo, ngón tay dính liền nhau không thể cử động. Lúc vào viện, bác sĩ tiên lượng khó qua khỏi.

Nhưng Linh đã vượt qua thời khắc khó khăn nhất, sống khỏe mạnh đến hiện tại. Với chị Lê Thị Hà, mẹ Linh, đó giống như một phép màu.

"Đưa con về sau bốn tháng nằm viện, lo lắng Linh sẽ khóc thét khi nhìn thấy hình ảnh của mình, gương soi trong nhà được cất hết", người phụ nữ 39 tuổi ở thôn 6, xã Tế Tân, huyện Nông Cống kể.

Dù vậy khi lớn lên, Linh lại tự tin đứng trước gương, nhiều lúc còn quay sang mẹ nói đùa "Nhìn con giống người ngoài hành tinh không?". Nói rồi em cầm chiếc lược bằng những ngón tay co rúm, chuốt chỏm tóc lơ thơ còn sót lại trên đỉnh đầu. "Trong phim khoa học viễn tưởng, người ngoài hành tinh đều có cái đầu to và làn da nhăn nheo giống con", Linh giải thích.

Vũ Quốc Linh được mẹ cho đi chơi trước khi vào lớp một, năm 2012. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vũ Quốc Linh được mẹ cho đi chơi trước khi vào lớp một, năm 2012. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhưng không phải lúc nào Linh cũng lạc quan như thế.

Dù trải qua nhiều ca phẫu thuật ghép da, cơ thể Linh vẫn chi chít sẹo. Khi đã biết nhận thức về ngoại hình, mỗi khi ra ngoài, sợ người đi đường chỉ trỏ, Linh đeo khẩu trang, trùm khăn kín mặt.

"Không phải người khác bỏ rơi con mà chính con đang bỏ rơi mình", người mẹ nói khi nhìn thấy sự tự ti của con trai. Chị Hà muốn con dũng cảm đối diện với sự thật, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Đối mặt với đủ ánh mắt mỗi khi bước ra đường, cậu bé Linh áp dụng lời khuyên của mẹ là nhìn lại họ, khi đó tự nhiên người đối diện sẽ thấy ngại mà quay đi chỗ khác. Đứa trẻ nào nhìn thấy mà sợ hãi, khóc thét, Linh lại chỉ vào những vết sẹo chằng chéo như mạng nhện trên tay, trên mặt: "Anh giống người nhện toàn năng không?", em nói.

Thực tế, nỗi đau mà Linh phải chịu đựng còn khủng khiếp hơn nhiều so với những bệnh nhân bỏng cục bộ một phần cơ thể.

12 năm qua, chị Hà đã chứng kiến con trai trải qua không biết bao nhiêu cuộc phẫu thuật, bao gồm xử lý các phần hoại tử, bóc tách gốc ngón tay và ghép da. Phần đau đớn nhất là cắt và khâu các lớp da dính chặt vào nhau. Rồi những ca mổ kéo dài hàng chục tiếng, thời gian chờ đợi với người mẹ giống như cực hình.

Đã nhiều lần Linh khóc và hét lên đau đớn trên giường bệnh. Để dỗ dành, người mẹ hứa: "Chỉ cần hợp tác với bác sĩ, mẹ sẽ mua bất kỳ thứ gì con muốn".

Máy chơi game, đồ chơi, siêu nhân đều là chiến lợi phẩm sau những ca phẫu thuật. Dù sau này lớn lên với thuốc mê và dao mổ, đã quen với việc chịu đựng đau đớn, không còn cần những lời dỗ dành nhưng Linh vẫn làm nũng mẹ.

"Trước mỗi ca phẫu thuật, mẹ cháu khóc rất nhiều. Nhưng chỉ cần cháu đòi quà, mẹ đều nín khóc và mỉm cười đồng ý", Linh nói. Theo em, đó là cách để mẹ không buồn nữa.

Chín năm trước, Linh được vào lớp 1 giống như các bạn cùng lứa. Để theo kịp, chị Hà thường xuyên kèm con tập viết. Sau ba lần phẫu thuật ở Hàn Quốc, những ngón tay của Linh mới được tách rời nhau, nhưng mỗi ngón chỉ có một đốt, bàn tay phải chỉ còn lại bốn ngón vì bị hoại tử. "Những lần đầu cầm bút, tay con cứ rỉ mủ rồi ứa máu. Vì đau, Linh khóc suốt", người mẹ hồi tưởng.

Bút chì dài, ngón tay ngắn, vừa cầm lên lại tuột ra. Nhiều lần chị Hà ứa nước mắt khi nhìn thấy con trai nhễ nhại mồ hôi đánh vật với cây bút rồi nắn nót từng nét trên trang giấy. Từ những nét chữ nguệch ngoạc đầu tiên, dần dà Linh có thể kẹp chắc bút, viết được những hàng chữ đều tăm tắp.

Suốt 9 năm học, năm nào em cũng được nhận giấy khen, năm giỏi, năm tiên tiến. Điều đặc biệt là Linh rất thích đến trường, chỉ nghỉ học mỗi khi bị đau do vết thương cũ hành hạ.

"Linh hòa đồng với các bạn. Dù được miễn việc chung như vệ sinh lớp, lao động công ích nhưng bạn vẫn tham gia nhiệt tình", cô Trần Thị Hồng Hoa, giáo viên chủ nhiệm của Linh chia sẻ. Cô kể có lần vì phải chép bài nhanh theo các bạn, những ngón tay Linh lại ứa máu. Nhưng em không dừng lại, chỉ lấy khăn thấm vào vết thương rồi tiếp tục việc học.

Từng trải qua nỗi đau "không thể tưởng tượng nổi" nhưng nhiều lúc Linh quên mình là một người tàn tật. Sau lần phẫu thuật lần thứ tư khiến cổ có thể di chuyển tự do và cánh tay co duỗi được, em muốn tập xe đạp.

Trước mong muốn của con, người mẹ thấy e ngại. Trước đó bác sĩ cảnh báo Linh hạn chế vận động bởi những vết sẹo do không có lỗ chân lông nên không thoát được mồ hôi ra ngoài, nếu vận động nhiều dễ gây ngất xỉu. Nhưng vì thấy bạn học đều đi xe đạp đến trường, em không cam lòng.

Mỗi chiều, với sự hướng dẫn của mẹ, Linh lại lên xe tập đi. Ban đầu, em cảm thấy đầu nóng như lửa đốt, đặc biệt khi trời nắng. Càng đạp càng nóng, mặt đỏ phừng phừng. Mệt quá, cậu bé dừng lại thở hổn hển.

"Cháu xem TV thấy trong thế giới tự nhiên, có những loài vật không có tuyến mồ hôi, trời nóng thường lè lưỡi ra thở bằng miệng để hạ nhiệt", Linh kể và quyết định thử áp dụng cách thức đó.

Sau một tuần tập luyện, em đạp xe thành thạo, khi vừa tròn 7 tuổi.

Vũ Quốc Linh năm 2 tuổi, khi chưa bị bỏng do bị bố tẩm xăng đốt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vũ Quốc Linh năm 2 tuổi, khi chưa bị bỏng do bị bố tẩm xăng đốt. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Giờ ở tuổi 15, những vết sẹo chằng chịt không ngăn được sở thích thời trang của Linh theo trào lưu giới trẻ. Em thích mặc quần áo thể thao khỏe khoắn, thích nhún nhẩy theo giai điệu của những nhóm nhạc Hàn Quốc. Ở nhà, Linh là người anh có trách nhiệm, chăm em trai, cơm nước, quét dọn nhà cửa mỗi khi mẹ đi vắng.

Đôi khi chỉ có hai anh em ở nhà, cậu em 9 tuổi lại tự tưởng tượng khuôn mặt Linh nếu như không bị bỏng. Theo nét vẽ của cậu bé, anh trai hiện lên với mặt chữ điền cùng đôi mắt to tròn. Mỗi khi nhìn tranh, Linh lại cười nói với em cũng như nói với chính mình: "Dù thế nào được sống cũng đã là hạnh phúc".

Vào năm cuối cấp, Linh từng nói ước mơ trở thành lính cứu hỏa với mẹ. Chị Hà khuyên, cơ thể con không thể đáp ứng được ngành nghề đòi hỏi nhiều sức khỏe như vậy. Linh hiểu nhưng vẫn cố gắng học, hy vọng được lên đại học, dù với hoàn cảnh gia đình đơn thân, mình chị Hà khó có thể đảm đương.

Thời gian tới, cậu bé 15 tuổi sẽ tiếp tục trải qua một ca phẫu thuật lớn bên Hàn Quốc. Chị Hà hy vọng, giống như những lần trước, Linh lại đòi quà mẹ trước khi phẫu thuật và mỉm cười thật tươi lúc tỉnh dậy khi nhìn thấy mẹ đứng bên cạnh mình.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm