Thời sự

Hạ nhiệt giá xăng dầu, giảm áp lực về chi phí cho người dân - doanh nghiệp

Tổng mức giảm đến nay đã hơn 6.000 đồng/lít, tương đương khoảng 20% so với thời điểm cuối tháng 6 vừa qua. Điều này khiến cho người dân và doanh nghiệp vui mừng bởi chi phí cho xăng dầu giảm, đồng nghĩa với gánh nặng lên vai đã nhẹ bớt, có thể kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Chính xác Hà Nội CNC, giá xăng dầu chiếm phần lớn trong chi phí vận chuyển, logistics của doanh nghiệp. Với việc giá xăng tiếp tục giảm mạnh như hôm nay, không chỉ người dân mà doanh nghiệp cũng rất phấn khởi. Bởi lẽ thời gian qua, giá xăng dầu liên tục biến động tăng, tạo sức ép lên doanh nghiệp.

Dù không phải đơn vị hoạt động trong ngành vận tải, nhưng giá xăng giảm cũng phần nào có ảnh hưởng tốt đến hoạt động vận chuyển, sản xuất kinh doanh của công này.

Các doanh nghiệp cho rằng, điều quan trọng thời gian tới là liệu mức giá xăng có thể duy trì hay giảm mạnh hơn, nhờ các công cụ, chính sách của nhà nước hay không.

Bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty Vận tải hàng hóa tuyến Bắc - Nam Cường Thắng cho hay, giá xăng tiếp tục giảm mạnh 3.000 đồng khiến mọi người trong công ty rất vui mừng. Xăng dầu chiếm tới 50% chi phí giá cước vận tải của doanh nghiệp, tổng các lần giảm khoảng hơn 6.000 đồng, tương đương 18-20% so với mức giá cũ đã giúp doanh nghiệp "thở phào".

"Chỉ một tháng trước, có tới 50-60% số lượng xe phải nằm bãi vì càng chạy, càng lỗ. Chúng tôi chỉ có thể duy trì một số xe để giữ chân khách quen. Nhưng nay giá xăng giảm mạnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lái xe hoạt động trở lại. Xăng giảm giá, công ty cũng tính toán tới việc điều chỉnh giá cho khách hàng, nhằm chia sẻ với nhau. Tuy nhiên, điều chúng tôi lo lắng là liệu mức giá xăng có thể tiếp tục giảm, hay ít nhất là duy trì mức giá thấp trong thời gian tới hay không", bà Hạnh nói.Theo chia sẻ của anh Nguyễn Công Thắng, lái xe tuyến Hà Nội - Hải Phòng, trước đây, khi xăng ở mức trên 30.000 đồng/lít, chi phí cho 1 chiều đi khoảng 500.000 đồng, nhưng với 2 lần giảm giá mạnh vừa qua,

chi phí xăng chỉ còn khoảng 400.000 đồng. “Với mỗi chuyến đi 2 chiều, lái xe chúng tôi có thêm khoảng 200.000 - 250.000 đồng, thêm chi phí trang trải sinh hoạt gia đình. Chúng tôi là người dân thì rất vui khi giá xăng giảm liên tục. Bởi xăng giảm thì rõ ràng chi phí ít đi. Tôi cũng hi vọng rằng, sau đây thì nếu có thể, các chính sách của nhà nước tiếp tục thực hiện để hạ giá xăng xuống nữa; đồng thời, kiểm soát giá cả các mặt hàng sinh hoạt hàng ngày cũng sẽ hạ nhiệt", anh Nguyễn Công Thắng nói thêm.

Theo đánh giá của chuyên gia, giá xăng dầu giảm mạnh không chỉ giúp người dân được hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng mà còn có thể hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá các loại hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tại các chợ ngay trong chiều nay 21/7, giá cả nhiều mặt hàng vẫn đang ở mức cao, chưa có dấu hiệu giảm xuống theo giá xăng.

Khảo sát tại chợ Mơ và chợ 8/3 - Hà Nội cho thấy, giá thịt bò 250.000-270.000 đồng/kg (tùy loại), thịt gà làm sẵn giá 160.000 đồng/kg, tăng 40.000/kg so với tháng trước; thịt lợn giá 110.000-130.000 đồng/kg, tăng 20.000 -30.000 đồng/kg; hành lá 60.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với khoảng 2-3 tháng trước; cà chua 25.000 đồng/kg, tăng 7.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng trước...

Như vậy, giá các mặt hàng đều đã tăng từ 20-50% so với thời điểm tháng trước đó.

Các chủ quầy hàng cho biết, giá cả biến động một phần do giá xăng làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa, nhưng mặt khác thời tiết mưa bão, nhiều mặt hàng như rau củ đều tăng mạnh... Với mức giảm giá xăng, dự báo giá các mặt hàng có thể sẽ chững lại hoặc giảm nhẹ.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, giá xăng giảm giúp doanh nghiệp nói chung và ngành vận tải nói riêng giảm chi phí sản xuất, vận hành. Tuy vậy, diễn biến giá xăng dầu thế giới vẫn hết sức khó dự đoán, trong khi đó, ở trong nước, dư địa giảm giá vẫn còn.

Chính phủ, các bộ ngành có thể tiếp tục đề xuất mạnh việc giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt để giá xăng giảm xuống nữa, giúp giá cả thị trường, chi phí giảm, doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.

Theo chia sẻ của chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, những diễn biến về nguồn cung xăng dầu, xung đột Nga - Ukraine vẫn căng thẳng... Giá dầu thế giới rất khó dự báo, có thể giảm trong kỳ điều hành này, nhưng sẽ quay trở lại tăng vào thời gian tới. Do vậy, các bộ, ngành cần tiếp tục tính toán, cân nhắc và đề xuất các giải pháp để giảm thuế trên xăng dầu, từ đó giảm giá xăng dầu, góp phần tác động mạnh hơn tới giảm giá nhiều mặt hàng tiêu dùng...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm