Bất động sản

Gói tín dụng lớn chưa đủ sức tạo cú huých cho thị trường địa ốc sau nửa năm triển khai

Lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ đồng được đánh giá là chưa ưu đãi. (Ảnh minh họa: VietnamNet).

Cho rằng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng lấy nguồn từ các ngân hàng thương mại hiện tại chưa thực sự ưu đãi, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa đề xuất khôi phục lại gói tín dụng 110.000 tỷ đồng như Bộ Xây dựng đã đề xuất trước đó.

Cụ thể, để đảm bảo nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022 - 2023) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn, tương tự gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013 - 2016 trước đây.

Trước đó vào tháng 2, gói 110.000 tỷ từng được Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ, Quốc hội. Trong đó, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8 - 5% một năm, áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa và 25 năm. Đồng thời, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi; còn lại là người mua, thuê nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Tuy nhiên, sau Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra vào sáng 17/2, Bộ Xây dựng và NHNN đã có buổi làm việc và thống nhất sẽ thực hiện gói đề xuất 120.000 tỷ đồng của NHNN do đây là gói có sẵn, có thể thực hiện được ngay. Do đó, Bộ Xây dựng ngưng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng.

Thực tế sau hơn 6 tháng chính thức triển khai, gói tín dụng 120.000 tỷ giải ngân khá chậm do một số nguyên nhân. Phía NHNN cho biết, khó khăn lớn nhất khi triển khai gói tín dụng này là nguồn cung còn hạn chế, đến nay mới có 23 UBND tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình.

Ngoài ra, Theo báo cáo của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, qua rà soát các dự án thuộc danh mục, trong số 54 dự án được công bố, có: 5 dự án đã được phê duyệt cấp tín dụng; 30 dự án chưa có nhu cầu vay vốn; 11 dự án chưa đủ điều kiện cho vay, trong đó có 6 dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý; 8 dự án đang được các ngân hàng thương mại thẩm định. Do đó, việc triển khai Chương trình còn chưa được như dự kiến. 

NHNN cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, xem xét, công bố danh mục dự án đủ điều kiện vay vốn theo Chương trình và sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của dự án đã đủ điều kiện để các ngân hàng thương mại có cơ sở xem xét, cho vay.

Vai trò của Tổ công tác

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, giải pháp đầu tiên để các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình tín dụng 120.000 tỷ chính là giải pháp “phi tín dụng”, tức là việc này phụ thuộc vào việc các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương khẩn trương tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ để triển khai thực hiện dự án, để tăng nguồn cung dự án và tăng nguồn cung sản phẩm nhà ở có đủ điều kiện vay gói 120.000 tỷ đồng.

Vì vậy, cần phải phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mà Tổ trưởng là Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà từng nhấn mạnh việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản mà là góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Tuy nhiên, không thể không kỳ vọng vào tác động lan tỏa, giúp tăng niềm tin cho thị trường của gói tín dụng này, cũng tương tự như gói 30.000 tỷ đồng của 10 năm trước.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ cho rằng thị trường bất động sản hiện đang có hai vấn đề phải tập trung xử lý.

Thứ nhất là việc thiếu nguồn cung nhà ở, có những dự án triển khai nhiều năm nhưng chưa hoàn thành. Vấn đề này theo chuyên gia nằm ở khâu quản lý.

Thứ hai là tình trạng khủng hoảng phân khúc. Bởi hiện nay phân khúc thiếu nhất là nhà ở giá rẻ, cần phải bổ sung thêm nhiều nguồn cung để thị trường được phát triển dựa trên giá trị thực.

"Tuy nhiên đối với vấn đề này, hiện nay chúng ta vẫn chưa làm được. Mặc dù chúng ta cũng đã tập trung xử lý cho một số doanh nghiệp nhưng phân khúc nhà ở giá rẻ vẫn chưa có tiến triển nào về thủ tục, chính sách, tín dụng. Tôi cho rằng nên tập trung vào phân khúc này vì đây mới là 'tử huyệt' cần xử lý để thị trường bất động sản phản ứng và đi lên", chuyên gia nhận định.

Cũng theo chuyên gia, không nên để cho những nhà phát triển bất động sản giá rẻ bị thiệt thòi tài chính so với nhà phát triển bất động sản thương mại. 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm