Tài chính

Giảm lãi suất thêm 1 điểm % đồng nghĩa hỗ trợ trực tiếp hơn 110.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp, người dân

Tại Chương trình Đối thoại đầu tuần do Báo Đầu tư thực hiện, TS. Nguyễn Tú Anh, Chuyên gia kinh tế, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương cho biết hiện kinh tế Việt Nam đang đối mặt với hai vấn đề.

Thứ nhất là cầu tín dụng đang thấp, trong khi đó lãi suất vẫn neo cao. "Việc lãi suất neo cao có nhiều nguyên nhân, trong đó có lo lắng rủi ro lạm phát. Tuy nhiên khi nền kinh tế đang có dấu hiệu đi vào vùng suy yếu, cần những chính sách phản chu kỳ", ông nói.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, khi nền kinh tế suy yếu, rủi ro sẽ tăng lên buộc tổ chức tín dụng tìm cách siết cho vay, điều này cũng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn. Cuối cùng nợ xấu sẽ tăng, tác động ngược trở lại chính hệ thống ngân hàng.

"Môi trường lãi suất cao như đầu năm đến nay không chỉ làm xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt mà còn gây ra nguy cơ với chính hệ thống ngân hàng. Chính vì thế, NHNN đã có chính sách kịp thời, giảm lãi suất điều hành hai lần. Đó là chính sách phản chu kỳ, khi các nước tăng lãi suất thì Việt Nam lại giảm", ông nói thêm.

 TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương. (Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp).

Đại diện Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng Việt Nam cần giảm thêm lãi suất, giúp doanh nghiệp giảm áp lực chi phí vốn, có thêm cơ hội để vượt qua khó khăn, trong khi đó ngân hàng giảm rủi ro nợ xấu.

Ông Tú Anh tính toán, tổng dư nợ tín dụng bình quân năm 2022 khoảng 11,3 triệu tỷ đồng, lãi suất trung bình năm 2022 khoảng 10%, khi đó chi phí cho lãi suất 1 năm khoảng 1,3 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 12% GDP.  

"Nếu giảm lãi suất xuống 1 điểm % đồng nghĩa khoản hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, người dân lên đến 113.000 tỷ đồng, lớn hơn nhiều so với các chính sách đang thực hiện. Đó là con số tính toán theo dư nợ tín dụng của năm 2022. Cho năm 2023, khoản đó còn lớn hơn", ông nói.

Ông cũng cho rằng Việt Nam có dư địa để giảm lãi suất. “Việt Nam không có áp lực lạm phát cao như các nước Mỹ hay châu Âu. 3 tháng đầu năm tổng cung tiền tăng 0,8% nên không cần lo lắng về lạm phát lõi. Trong khi đó, giá năng lượng, giá than, giá xăng dầu, giá hàng nông sản thế giới đều đang xu hướng giảm”, ông nói.

 

 

Một điều kiện nữa để giảm được lãi suất là phải tạo được thanh khoản cho nền kinh tế đủ lớn. Ông cho biết tín hiệu tích cực là 4 tháng đầu năm, NHNN bắt đầu mua ngoại tệ đưa vào hệ thống nhằm tăng dự trữ ngoại hối. Việc này cải thiện vấn đề cung tiền, tăng thanh khoản cho hệ thống. Lãi suất thị trường liên hàng liên tục giảm những ngày gần đây, cho thấy thanh khoản được cải thiện tốt. Khi thanh khoản tốt hơn, hoàn toàn có thể giảm lãi suất.

Ngoài ra, nếu thúc đẩy được đầu tư công, tiền ra nền kinh tế, cũng tăng được tiền nhàn rỗi cho hệ thống, chi phí đầu vào cho hệ thống ngân hàng giảm. Điều này cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giảm lãi suất.        

 

 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm